Mọi người dân cần phải có một cơ sở bác sĩ gia đình của mình, theo nguyên tắc tự nguyện. Riêng những người nghèo sẽ do nhà nước chỉ định cơ sở bác sĩ gia đình phụ trách. Các cơ sở y tế gia đình là người quản lí khám chữa bệnh ban đầu, cũng như toàn bộ hồ sơ sức khỏe của từng cá nhân.
Báo Một Thế giới đăng bài về Phòng khám Bác sĩ gia đình với tựa đề: “Chi 400 triệu lập 5 phòng khám, sau 7 tháng khám được…9 bệnh nhân”. Nội dung bài báo đề cập đến nguyên nhân mô hình này không phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang nói về phần ngọn của vấn đề.
Thời kì chiến tranh, rồi đến thời bao cấp, nhà nước đã cố gắng bao cấp y tế. Nhưng cũng như mọi lãnh vực khác, nhà nước không thể bao cấp mãi được. Nền kinh tế của chúng ta chuyển hướng theo mô hình kinh tế thị trường. Tiếc rằng chúng ta không đủ dũng cảm để đoạn tuyệt hẳn với bao cấp, nên mô hình kinh tế thị trường của chúng ta gắn thêm một cái mác là định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Không ai định nghĩa chính xác được thế nào là định hướng XHCN. Trên thực tế đó là sự thay đổi nửa vời, nửa thị trường, nửa bao cấp.
Do không thể có một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, ngành y cũng không thể thoát ra khỏi cái guồng bao cấp. Mọi thứ vận hành theo thị trường, chỉ có giá, lương, và cung cách quản lí ngành thì vẫn y hệt như hồi bao cấp. Trong khi lẽ ra đó là những thứ phải thay đổi đầu tiên, phải vận hành theo kinh tế thị trường đầu tiên, nhất là cung cách quản lí ngành.
Mỗi lần thay đổi là một lần tách, nhập, xây dựng mới. Không ai dám xóa đi cái cũ. Hiện nay chúng ta có một hệ thống y tế dàn trải theo 4 cấp: Trung ương, tỉnh, huyện, xã. Mặc dù phân tuyến, phân cấp nhưng sự phân công không rõ ràng. Nhiệm vụ của y tế tuyến dưới, đặc biệt là tuyến phường xã, thực sự không rõ ràng và chồng chéo.
Bảo hiểm y tế (BHYT) ra đời. Thay vì chỉ làm cái nhiệm vụ thay mặt người bệnh chi trả các chi phí y tế, BHYT của chúng ta tham gia quá sâu vào vấn đề quản lí hành chính và quản lí chuyên môn của các bệnh viện. Đã vậy BHYT còn đề ra những kiểu cách thanh toán hết sức quái đản, như những qui định về khung, trần, sàn, chi trả vượt tuyến… Giá chi trả của BHYT cũng không dựa trên chi phí thực, mà dựa trên “khả năng” của BHYT, từ đó, cả ngành y phải vận động theo những qui định “quái dị”, để làm vừa lòng BHYT.
Trong hoàn cảnh như vậy, các phòng khám bác sĩ gia đình sẽ không có “cửa” nào để mà tồn tại với cái mớ bòng bong phân tuyến, phân cấp, các qui định của Luật khám chữa bệnh, của Bộ y tế, của Sở Y tế, của Phòng Y tế, có khi của cả Trạm y tế, lại của Bảo hiểm xã hội quận huyện, Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố…
Có lẽ ngành y là ngành có rất nhiều nỗ lực để đổi mới mình, để giải quyết bài toán quá tải, để nâng cao chất lượng chuyên môn… Nhưng tất cả những nỗ lực của ngành y hiện nay cũng chỉ luẩn quẩn bên trong cái vòng kềm tỏa của bao cấp dưới khẩu hiệu định hướng.
Để phát triển theo hướng hiện đại hóa ngành y tế, để giải quyết bài toán quá tải và hàng tỉ những bất cập trong y tế nước ta hiện nay, hướng đi bác sĩ gia đình là hướng đi đúng nếu không nói là duy nhất có thể thành công. Nhưng nó chỉ có thể thành công khi có sự thay đổi cơ bản trong cung cách quản lí điều hành.
Mọi người dân cần phải có một cơ sở bác sĩ gia đình của mình, theo nguyên tắc tự nguyện. Riêng những người nghèo sẽ do nhà nước chỉ định cơ sở bác sĩ gia đình phụ trách. Các cơ sở y tế gia đình là người quản lí khám chữa bệnh ban đầu, cũng như toàn bộ hồ sơ sức khỏe của từng cá nhân. Bác sĩ gia đình có quyền chuyển bệnh nhân đến bất cứ bệnh viện nào cần thiết. BHYT phải chi trả theo mức giá thực tế (ở mức bảo đảm tối thiểu) và theo đúng với chỉ định chuyển viện của bác sĩ gia đình, dù là bệnh viện công lập hay tư nhân.
Các cơ sở y tế nhà nước sẽ phải sắp xếp lại, hoặc trở thành phòng khám bác sĩ gia đình, hoặc trở thành bệnh viện. Nếu cơ sở công lập nào hoạt động kém hiệu quả, hoặc không đáp ứng được yêu cầu của người dân, sẽ phải bán cho tư nhân. Y tế tư nhân từ đó cũng có điều kiện hoạt động tốt hơn, cùng với y tế công lập tạo ra nhiều hình thức dịch vụ khác nhau, phục vụ cho nhu cầu đa dạng của người dân.
Nhưng nói gì thì nói, nếu vẫn còn cái “định hướng” thì không thể nào có một cải cách hiệu quả. Lại phải quay về với câu hỏi vĩ mô: Đi đến đâu? Trở thành gì? Như thế nào?
Theo TS. BS Võ Xuân Sơn