Hy vọng

hyu-vong

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ

Ước gì y học có thể can thiệp và chữa lành mọi căn bệnh, để cho cháu và tất cả các cháu nhỏ đều được sống, học tập, vui chơi…

Mới 10 tuổi nhưng cháu đã có 2 năm “chinh chiến” qua các bệnh viện, đã trải qua một cuộc mổ “thập tử nhất sinh” và bao nhiêu là các phương pháp điều trị khác. Vậy mà cháu vẫn không bỏ một năm học nào, vẫn là học sinh giỏi. Nhìn cháu, không ai biết rằng cháu đang mang một “bạo bệnh” trong người. Ở cháu toát lên một vẻ hồn nhiên, yêu đời rất trẻ thơ nhưng đầy nghị lực. Nếu không nói ra thì không ai biết hai chân cháu đã yếu rất nhiều, nguyên nhân của các vết trầy trên mặt, chân tay… do vấp té.

Thật là trớ trêu, cháu bị một khối u cực kì ác tính. Khối u đã phá hủy các đốt xương sống ở cổ, chèn ép vào tủy và hành tủy, đẩy thành họng nhô cao lên. Cuộc mổ trước đây đã lấy đi được một phần khối u và mở ra một cửa sổ để cho tủy của cháu có chỗ “né tránh” phần nào sự chèn ép. Thời gian trôi qua, khối u càng ngày càng lớn lên. Khi hai chân cháu yếu đi, từ biên giới phía Bắc, cha mẹ cháu đã lặn lội đưa cháu vào thành phố để chữa bệnh.

Niềm hi vọng duy nhất của cháu là chẩn đoán giải phẫu bệnh của lần mổ trước sai. Khi đó, cháu được mổ và được sinh thiết tức thì (sinh thiết lạnh) mà không có sinh thiết chuẩn đi kèm. Các bác sĩ đã đưa ra một giải pháp ít ảnh hưởng nhất đến cháu, đó là sinh thiết khối u qua họng cháu, một thao tác ít xâm lấn nhất có thể. Nhưng rồi hi vọng lại tan biến khi cả hai khoa Giải phẫu bệnh lí của Bệnh viện Chợ Rẫy và của Đại học Y Dược đều trả lời cùng một loại u, đúng cái loại mà các bác sĩ ở Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai đã chẩn đoán trước đây. Khối u này không nhạy với tia xạ, cũng không nhạy với bất cứ hóa chất nào, chỉ có một giải pháp: mổ!!!

Có mổ tiếp cho cháu nữa không? Đó là câu hỏi mà các bác sĩ phải cân nhắc. Nếu mổ, cháu sẽ phải chịu đựng 2 cuộc mổ thuộc hàng siêu phẫu, một cuộc mổ thực hiện qua họng của cháu, cắt toàn bộ những gì còn lại của đốt sống bị hủy, lấy toàn bộ khối u, giải ép cho tủy và hành tủy, cuộc mổ kia sử dụng xương ghép và các dụng cụ cố định đầu cháu vào phần cột sống còn lại vì đốt sống bị hủy là cấu trúc duy nhất giữ vững đầu của cháu nằm trên cổ. Đây là 2 cuộc mổ rất, rất lớn, chứa đựng nhiều nguy cơ, từ việc chảy máu, mất máu, nguy cơ gây thương tổn cho tủy cao, đến việc có thể xảy ra các di lệch chết người khi xoay trở, đặt tư thế cho cháu trên bàn mổ. Ngoài ra, chi phí cho cả hai ca mổ này đều không nhỏ. Nếu mọi việc thành công, các cuộc mổ thuộc hàng siêu phẫu kia sẽ mang lại được cho cháu điều gì? Thêm vài tháng hoặc 1 năm, sau đó khối u lại tái phát, cháu sẽ lại rơi vào hoàn cảnh như hiện nay.

Các bác sĩ đã quyết định không mổ tiếp. Để quyết định điều này, các bác sĩ đã phải suy nghĩ rất nhiều. Khi quyết định không mổ tiếp cho cháu, cả 3 bác sĩ tham gia hội chẩn đều cùng lúc buông tiếng thở dài và sau đó lặng lẽ chia tay nhau, không có những lời chào hoặc trao đổi vui vẻ như những lần hội chẩn khác.

Việc quyết định không mổ tiếp cho cháu đã dập tắt đi những hi vọng còn lại của cháu và cha mẹ cháu. Nhưng con người ta đâu có dễ đầu hàng số phận. Cha mẹ cháu và cháu lại khăn gói lên đường đi Trà Vinh, nghe đâu có “ông thầy” Khơ me nào đó có thể chữa được căn bệnh này. Thôi thì cũng phải bám víu vào một hi vọng để sống tiếp. Chỉ buồn rằng các bác sĩ đã không giúp gì được cho cháu, góp phần đẩy cháu ra thế giới bên ngoài đầy cạm bẫy, chông gai, đầy những kẻ sẵn sàng kinh doanh sự vô vọng của cháu và gia đình cháu.

Các bác sĩ lại dằn vặt, sao không mổ cho cháu, dù sao thì cũng mang lại cho cháu một chút gì đó hi vọng. Nhưng một tiếng nói khác lại vang lên: liệu các bác sĩ có mang lại được một chút hi vọng giả tạo cho cháu hay lại làm cho cháu phải ra đi sớm hơn? Mổ: không được, không mổ: cũng không được. Các bác sĩ ước ao rằng giá như mình không gặp cháu bé đó. Nhưng điều đó chẳng giải quyết được chuyện gì, ngoài việc các bác sĩ không cảm thấy trách nhiệm của mình.

Giá như không có căn bệnh đó ở trên cõi đời này. Ước gì y học có thể can thiệp và chữa lành mọi căn bệnh, để cho cháu và tất cả các cháu nhỏ đều được sống, học tập, vui chơi, để tất cả các bác sĩ không phải dằn vặt mình khi nghe những câu chuyện như thế này, để cho các bác sĩ có thể thảnh thơi đi vào giấc ngủ mỗi khi đêm đến. Ước gì…

Theo : Trung Dũng