Bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân chu đáo quá, vì thế cho nên chúng tôi biết bệnh nhân bị chảy máu suýt chết là do bác sĩ truyền tiểu cầu nhưng chúng tôi cũng không thắc mắc gì.
Trong một status gần đây tôi có nói đến một trường hợp vừa đưa lên bàn mổ thì bị xuất huyết, cuộc mổ phải hoãn lại và bệnh nhân được chuyển đến một bệnh viện lớn, có đầy đủ chuyên khoa huyết học, tiêu hóa, có ngân hàng máu.
Đây là một bệnh nhân bị gãy lún đốt sống do loãng xương. Gãy lún đốt sống gây đau dữ dội, đa số bệnh nhân không thể xoay trở, phải nằm bất động. Trước đây, bệnh nhân phải nằm bất động vài tháng, tuy nhiên với cơ địa loãng xương, sẽ rất khó khăn để ổ gãy lành lại. Ngoài ra, việc bệnh nhân nằm một chỗ cũng gây khó khăn cho việc điều trị loãng xương.
Đối với những bệnh nhân lớn tuổi (đại đa số những bệnh nhân gãy xương do loãng xương đều lớn tuổi), việc nằm một chỗ gây ra nhiều biến chứng như nhiễm trùng tiểu, viêm phổi, viêm phế quản, từ đó dẫn tới tử vong. Chưa có con số thống kê tỉ lệ tử vong sau khi bị gãy xương đốt sống do loãng xương, nhưng tại Mỹ ngày tại những năm 2000, tỉ lệ tử vong sau 1 năm gãy cổ xương đùi (được coi là nhẹ hơn so với gãy xương đốt sống) là 20%, số còn lại hầu hết tàn phế.
Chính vì tính chất nguy hiểm của gãy xương này mà người ta đã tìm ra một phương thức điều trị xâm lấn tối thiểu gãy xương đốt sống do loãng xương, đó là tạo hình đốt sống (vertebroplasty). Đối với những trường hợp gãy có độ gù cao có thể dùng một phương pháp anh em là tạo hình gù (kyphoplasty). Cuộc mổ tạo hình đốt sống chỉ cần gây tê tại chỗ, chích kim vào đốt sống và bơm xi măng sinh học vào, toàn bộ quá trình chỉ khoảng 15 – 20 phút.
Từ năm 2008 đến nay, EXSON đã thực hiện khoảng 1200 trường hợp tạo hình đốt sống và tạo hình gù bằng xi măng sinh học với kết quả 94% có thể di chuyển, đi lại dễ dàng ngay sau khi tạo hình vài giờ, từ đó tránh được các biến chứng chết người như viêm phổi, nhiễm trùng tiểu… và tạo điều kiện dễ dàng cho việc điều trị loãng xương.
Trở lại với bệnh nhân nói lúc đầu. Trong quá trình khám tiền phẫu phát hiện bệnh nhân bị giảm tiểu cầu (73.000). Hội chẩn với chuyên khoa Huyết học của một bệnh viện trung ương lớn ở phía Nam, làm tủy đồ, xác định Thalasemie (vết). Chuyên khoa huyết học đề nghị truyền tiểu cầu rồi mổ. Bệnh nhân được truyền tiểu cầu, tiểu cầu lên đến 111.000 và được đưa lên bàn mổ.
Chưa kịp làm bất cứ điều gì, kể cả chích thuốc tê, thì bệnh nhân ói và tiêu ra máu đỏ tươi. Bệnh nhân được hồi sức và chuyển đến bệnh viện lớn. Thông tin sau đó do người nhà cung cấp lại, là bệnh nhân bị vỡ tĩnh mạch thực quản (còn phần dưới không rõ), và đã được xử lí nội soi cầm máu.
Cách 3 ngày chúng tôi lại nhận được một ca khác giống y chang vậy. Sau khi giải thích kĩ, kể câu chuyện ca xuất huyết, bệnh nhân và thân nhân chọn tạo hình đốt sống vì bệnh nhân đau và không thể cục cựa được. Bệnh nhân được truyền tiểu cầu để chuẩn bị tạo hình đốt sống.
Bệnh nhân sau vừa bắt đầu truyền tiểu cầu thì một người nhà của bệnh nhân trước đến khám bệnh. Sau khi khám bệnh xong, lúc chuyển qua nói về sức khỏe của bệnh nhân xuất huyết, người nhà nói: Bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân chu đáo quá, vì thế cho nên chúng tôi biết bệnh nhân bị chảy máu suýt chết là do bác sĩ truyền tiểu cầu nhưng chúng tôi cũng không thắc mắc gì.
Sau một hồi giải thích, rằng thì là mà hai vấn đề khác nhau, không liên quan đến nhau, rằng trước đó chẳng có dấu hiệu gì của tăng áp lực tĩnh mạch cửa hay giãn tĩnh mạch thực quản… Người nhà bệnh nhân cười nói: Chúng tôi đâu có kiện tụng gì đâu mà bác sĩ phải lo lắng thế, còn chuyện truyền máu vào làm cho bể mạch máu thì đâu có ai muốn đâu.
Lật đật gọi hết người nhà của bệnh nhân thứ hai lại, kể cho họ câu chuyện vừa rồi, và yêu cầu họ cam kết nếu có chuyện xuất huyết xảy ra không được bắt thường bác sĩ. Dù trước đó đã giải thích rõ, cam kết đầy đủ, nhưng diễn tiến mới quá bất ngờ nên yêu cầu cam kết lại. Cuộc mổ được ngưng lại.
Không biết đó là rủi hay là may nữa đây?
Theo: BS. Xuân Sơn