Hồi bắt đầu thu viện phí, không chỉ bệnh nhân mà ngay cả bác sĩ, điều dưỡng đều lo lắng, làm sao trả được tiền. Chúng tôi đôn đáo đi xin miễn phí, cố tình làm lơ, thậm chí xúi bệnh nhân trốn viện. Tuy nhiên, không còn cách nào khác, các bác sĩ không thể cứ “tự do chọn lựa” giữa APC và xuyên tâm liên cho tất cả các loại bệnh.
Cơ sở để ra cái giá dịch vụ y tế hồi đó giờ, là bệnh nhân chi trả một phần, nhà nước hỗ trợ một phần. Có nghĩa là nhà nước bao cấp một phần. Với bảng giá mới nhất hiện nay, viện phí mới chỉ tính đúng, tính đủ cho 3 trong 7 loại chi phí. 4 loại chi phí quan trọng và mắc tiền vẫn đang được nhà nước bao cấp.
Tại sao nhà nước phải bao cấp một phần cho toàn dân, trong khi dân ta ăn nhậu thuộc hàng bá chủ thế giới? Tại sao phải bao cấp khi người dân thừa tiền mua hàng hiệu, iphone, xe gắn máy xịn, xe hơi, rượu ngoại đắt tiền… lại còn săn hết cả tê giác của người ta? Tại sao lại phải bao cấp cho sức khỏe, trong khi tiền thì lại được dùng để lập kỉ lục về bánh chưng, hủ tiếu, tượng đài, tháp truyền hình…?
Tại sao nhà nước không lấy cái khoản tiền bao cấp ấy đầu tư cho y tế dự phòng và lo cho người nghèo? Những người có thể sắm iphone, ipad, xe nọ xe kia, quần này áo khác thì tự chi trả cho sức khỏe của mình đi, tại sao cứ phải được bao cấp mới chịu? Việc xóa bỏ bao cấp y tế sẽ chỉ gây khó khăn cho người nghèo, mà nếu tập trung ngân sách cho người nghèo, tôi tin chắc họ sẽ được chăm sóc chu đáo hơn so với việc dàn trải tiền cho cả người giàu như hiện nay.
Việc đầu tiên là tăng giá mua BHYT công. Thay vì đóng góp 4,5% lương cơ bản cho BHYT như hiện nay, tại sao không là 9% lương thực lãnh (không tính phụ cấp) cho BHYT công? 9% lương cho sức khỏe, đó là cái giá hời. Tại sao ở Mỹ chi phí y tế đắt gấp nhiều trăm lần chúng ta mà người ta vẫn trang trải được, cho dù GDP đầu người chỉ gấp chúng ta chưa đến 30 lần? Đó là do họ ý thức được, sức khỏe là vàng, nên ngân sách bỏ ra cho sức khỏe phải tương ứng với giá trị của nó.
Chúng ta sẽ mất đi cái gì khi chi 9% lương cho BHYT công? Số iphone giảm đi một chút, số xe gắn máy, xe hơi cũng có thể giảm chút ít. Và cùng với nó, lượng bia, rượu sẽ phải giảm, những chiếc túi xách tỉ đồng sẽ bán chậm hơn một chút, một vài kỉ lục như bánh chưng, tô hủ tiếu… không được thiết lập, những vụ cướp có văn hóa bớt đi chút ít cảnh bạo lực. Được gì và mất gì, chúng ta đã rõ.
Sẽ có người nói thu nhập 3 triệu, lấy 9% đóng BHYT công thì làm sao sống? Nhà nước sẽ phải bao cấp một phần, bằng cách chi trả một phần phí mua BHYT cho những người có mức lương thấp, ví dụ như mức lương dưới 4 triệu nhà nước sẽ trả 50% tổng mức đóng BHYT, chỉ đóng 100% khi lương từ 6 triệu trở lên.
Khi BHYT công có một nguồn thu lớn, nó sẽ phải chi trả cho tất cả các dịch vụ y tế ở mức cơ bản. Mức cơ bản do Bộ Y tế định ra, cập nhật hàng năm. Mức cơ bản phải được tính đúng, tính đủ ở mức tối thiểu, cho kĩ thuật tối thiểu có thể giải quyết bệnh với kết quả tốt. Mức cơ bản này được áp dụng cho tất cả các bệnh viện trong cả nước.
Một số bệnh viện sẽ được dành cho người nghèo. Ở những bệnh viện đó, mức giá sẽ được áp dụng ngang với mức cơ bản. Dịch vụ áp dụng cũng ở mức cơ bản. Bệnh nhân không phải trả tiền mà BHYT công trả. Nhà nước bao cấp cho người nghèo bằng cách mua BHYT công cho họ.
Những bệnh viện công còn lại và bệnh viện tư nhân hoạt động hoàn toàn theo cơ chế thị trường. Giá cả sẽ do thị trường điều tiết. Mỗi bệnh viện sẽ có mức độ dịch vụ khác nhau (nhưng phải bằng hoặc cao hơn mức cơ bản), đồng thời, mức giá cũng khác nhau. Người bệnh có BHYT công sẽ được trả phí theo mức cơ bản cho dù họ khám chữa bệnh ở bất cứ bệnh viện nào mà họ chọn, phần chênh lệch họ tự trả, hoặc BHYT tư chi trả.
Như vậy, những người hiện nay chưa mua BHYT sẽ thấy sự cần thiết của BHYT, những người đã có BHYT cũng thấy sự cần thiết phải giữ nó, chăm chỉ hơn để giữ được việc làm, giảm bớt số người nghèo do lười biếng, công bằng xã hội được bảo đảm hơn.
Theo : TS. BS Võ Xuân Sơn