Tôi đến với chuyên ngành phẫu thuật cột sống một cách vô cùng oan ức. Tôi bị sếp điều chuyển qua khu cột sống vì lỡ cấm một bác sĩ đàn em đang đi “công quả” làm thủ thuật ẩu trên một bệnh nhân. Tôi bị đi “đày” chỉ vì mình làm đúng. Đời thật là bất công. Chán nản, bất mãn…
Hồi đó, khoảng cuối năm 1989, chúng tôi gọi khu cột sống là khu Nhiêu Lộc, vì nó hôi thối y như khi đi qua kênh Nhiêu Lộc. Cứ đến gần khu vực ấy là phải bịt mũi. Bệnh nhân nhập viện, liệt, loét, nhiễm trùng tiểu, suy kiệt dần, rồi chết. Thỉnh thoảng mới có bệnh nhân sống để xuất viện. Bệnh nhân chấn thương cột sống cổ bị liệt thì chết sớm, sau vài ngày hoặc vài tuần, còn chấn thương cột sống lưng, thắt lưng thì vài tháng.
Khu bệnh cột sống của tôi toàn nam. Đa số bệnh nhân đều đã nằm viện vài tháng và ít hi vọng sống. Hầu hết bệnh nhân không có thân nhân, vợ bỏ, không ai thăm nuôi. Đang là trụ cột gia đình, sau một tai nạn lao động, họ trở thành gánh nặng và không có hi vọng hồi phục, chỉ còn nằm chờ chết. Thỉnh thoảng, khi có bệnh nhân xuất viện, chúng tôi còn phải quyên góp tiền mua vé xe cho bệnh nhân đi về.
Chẳng có nhiều thời gian để bất mãn, tôi bắt đầu tìm cách khắc phục. Các chị điều dưỡng cho biết trước 1975 các đàn anh và các bác sĩ Nhật làm như thế nào. Trên thực tế thì trước năm 1975, trình độ của bệnh viện về vấn đề này còn thấp lắm, dù cho có các bác sĩ Nhật hỗ trợ. Tìm tài liệu trong thư viện của Đại học Y Dược và Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, cũng chỉ có tài liệu trước năm 1975. Vấn đề chính gây nên sự đau khổ của bệnh nhân là không thể vận động, không ngồi, đứng, không xoay trở được, dẫn đến loét, nhiễm trùng, suy kiệt.
Để khắc phục tình trạng này, đầu tiên phải giải ép tủy sống, sau đó phải làm vững cột sống, rồi mới có thể cho bệnh nhân ngồi, xoay trở để không loét, để tập cho phục hồi. Khi đó, chúng tôi không có cách gì để can thiệp cho bệnh nhân. Nếu mổ giải ép thì càng làm cho cột sống mất vững hơn, càng không thể xoay trở, ngồi, đứng được. Mọi cố gắng của chúng tôi dồn vào việc chống loét cho bệnh nhân.
Việc đầu tiên, tôi yêu cầu tất cả bệnh nhân phơi phần loét ra nắng. Sáng sáng, các giường bệnh được kéo ra hành lang, bệnh nhân phơi mông ra nắng. Lúc đó người ta đang bàn tán về chuyện thi hoa hậu, chúng tôi gọi đùa những người bệnh có cái mông lở loét kia là “hoa hậu”. Không biết động tác phơi nắng có hiệu quả đến mức nào nhưng các “hoa hậu” đều tỏ vẻ vui mừng. Họ có được một chút hi vọng, thay vì nằm kể với nhau về những người đã chết, và lặng lẽ trong tuyệt vọng, đếm số ngày còn lại của mình.
Hạt đình lịch, dầu mù u là những thứ được dùng để làm mềm, cắt lọc và làm sạch, làm lành vết loét. Thỉnh thoảng, có bệnh nhân cho chúng tôi chai mật ong, chúng tôi coi đó là thứ vô cùng quí giá và lấy dùng cho bệnh nhân loét, những người khác biết được lại mang đến cho tiếp. Tôi tìm tài liệu học xoay da, cùng với một bác sĩ khoa chấn thương chỉnh hình, chúng tôi xoay da chữa loét cho bệnh nhân.
Sau vài tháng, mùi hôi thối đã không còn. Lúc này, một đàn anh lớn đi học Pháp về, mang theo một kĩ thuật mổ làm vững cột sống. Kĩ thuật này được phát minh sau năm 1975 nên chúng tôi không có tài liệu. May mà một đàn anh trong khoa có bạn ở nước ngoài gởi tài liệu về. Không làm sao có được những dụng cụ cố định cột sống. Chúng tôi đành lấy các dụng cụ cố định chân tay còn lại từ trước năm 1975, chế tác lại và dùng để mổ cố định cột sống. Chương trình vật lí trị liệu được áp dụng cho bệnh nhân. Khu cột sống trở nên thơm tho.
Ngày nay, phương pháp mổ mà người đàn anh mang từ Pháp về không còn được áp dụng nữa. Phẫu thuật điều trị chấn thương cột sống lưng – thắt lưng đã trở thành vấn đề đơn giản. Khoa học đã có nhiều bước tiến, chúng ta đã tiếp cận và thực hiện thành công nhiều kĩ thuật phẫu thuật cột sống xâm lấn tối thiểu rất mới trên thế giới. Các bác sĩ bây giờ không còn thấy cảnh vợ bỏ rơi chồng, anh em bỏ rơi nhau, cũng không còn biết đến những nụ cười gượng với ánh mắt khắc khoải, van lơn trong tuyệt vọng.
Riêng tôi, vẫn không thể nào quên được cái hình ảnh “hoa hậu” phơi trong nắng ngày nào.
Theo : TS. BS Võ Xuân Sơn