Gần đây liên tiếp nhiều vụ tai nạn xảy ra khi xe tải hoặc xe buýt cán chết những phụ nữ đang mang thai. Hai trường hợp thai gần tới ngày sanh, thành bụng và tử cung của người mẹ bị bể, con văng ra ngoài và sống sót. Đây là hai trường hợp vô cùng hi hữu, có lẽ cả trong lịch sử loài người.
Theo báo chí mô tả thì lần này, người mẹ mang thai 7 tháng, bị xe cán lên bụng, máu chảy dữ dội từ bụng, người mẹ chết ngay sau khi được người đi đường cấp cứu và họ dùng chiếu đắp lên, rồi gọi cơ quan chức năng. Sau 15 phút xe cấp cứu đến, thấy nạn nhân đã được đắp chiếu, tín hiệu cho thấy nạn nhân đã chết, một số người dân nói: “Chúng tôi kéo nạn nhân từ trong gầm xe ra, người ta chết rồi, các anh chị kiểm tra làm gì”, đội cấp cứu bỏ đi.
Thông tin từ báo chí cho thấy người chồng nạn nhân, sau khi vợ chết 1 giờ mới biết chuyện và yêu cầu cứu con mình. Lúc đó mọi người mới biết là nạn nhân đang mang thai tháng thứ 7, và đứa con trong bụng đã chết. Trước đó, ngay cả người cấp cứu nạn nhân cũng không phát hiện nạn nhân đang mang thai. Có lẽ vì việc không phát hiện và không cứu được thai nhi mà ông Phó chủ tịch TP Hải Phòng đã yêu cầu xem xét trách nhiệm của cán bộ y tế trong sự việc này.
Sinh đẻ là một quá trình mà cho đến nay vẫn còn rất nhiều điều khoa học chưa hiểu hết. Tuy nhiên, đây là giai đoạn mà cháu bé chuyển từ cuộc sống phụ thuộc vào người mẹ sang cuộc sống tự lập. Khi ở trong bào thai, cuộc sống của cháu hoàn toàn phải dựa vào mẹ. Cháu không tự thở được, không bú sữa, không ăn uống. Mọi thứ cháu cần đều phải thông qua mẹ cháu. Dưỡng chất, ô xy theo máu của mẹ, tới lá nhau. Tại lá nhau, các dưỡng chất và oxy được trao đổi từ máu của mẹ qua máu của cháu. Tim của cháu đưa máu của cháu đi nuôi cơ thể cháu.
Khi cháu bé được sinh ra, lúc ngực cháu vừa thoát khỏi sức ép của tử cung và âm đạo của người mẹ, cháu hít hơi thở đầu tiên, và cháu cất tiếng khóc chào đời, đánh dấu giây phút cháu hoàn toàn độc lập. Chỉ từ giây phút đó, cháu bé mới có thể chấm dứt việc tiếp nhận ô xy và dưỡng chất từ người mẹ của mình.
Trường hợp 2 cháu bé văng ra từ bụng mẹ, mọi thứ đều trùng hợp một cách lạ thường. Chưa nói đến việc các cháu không bị bánh xe đè bẹp, đồng thời với việc các cháu thoát khỏi sức ép của tử cung, ngay vào thời điểm đó, trong miệng các cháu không có nước ối, dây rốn không bị đứt mà cả một bánh nhau văng ra theo các cháu. Đó là cả một chuỗi các sự việc may mắn hi hữu cùng xảy ra một lúc.
Các bác sĩ sản khoa cho biết, khi còn ở trong bụng mẹ, vì bất cứ một lí do gì, tuần hoàn nhau thai ngưng hoạt động, cháu bé sẽ chết ngay sau đó. Đối với người trưởng thành, chỉ cần 2 phút không có oxy là não sẽ không bao giờ phục hồi lại được. Đối với thai nhi, đặc biệt là thai nhi thiếu tháng, dưới 30 tuần tuổi, thời gian này còn ngắn hơn rất nhiều. Đối với trường hợp tai nạn trong câu chuyện lần này, tuần hoàn nhau thai sẽ ngưng ngay lập tức khi người mẹ chết, thậm chí ngưng từ khi người mẹ chưa chết hẳn, khi huyết áp bị tụt xuống thấp.
Việc báo chí đổ hết tội lỗi cho ê kíp cấp cứu về cái chết của hai mẹ con nạn nhân, thậm chí còn giật những cái tít như “bỏ mặc thai phụ 7 tháng”, “bỏ rơi thai phụ gặp nạn”… không hiểu là vô tình hay cố ý. Sao không phê phán lí do tai nạn thương tâm xảy ra, mà tập trung đổ lỗi cho ngành y?
Rõ ràng là không ai biết đấy là thai phụ, cho đến khi người chồng xuất hiện, sau khi người vợ chết được 1 giờ. Có thể phê phán nhóm cấp cứu làm sai qui trình, đã không tự mình kiểm tra lại nạn nhân. Nhưng dựa vào một sai sót này mà bảo họ bỏ mặc hay bỏ rơi thai phụ thì thật là hồ đồ.
Tướng Quắc bị khởi tố, nhà báo Hoàng Khương vừa được ra tù. Có lẽ những điều đó nhắc nhở báo giới, rằng hãy đừng đụng đến những người phải chịu trách nhiệm chính về tai nạn giao thông. Làm sao để báo chí có đủ dũng khí nói về những vấn nạn đích thực của cuộc sống, của xã hội, giảm bớt việc chĩa mũi dùi vào ngành y, ngành không có khả năng phản kháng, để thỏa mãn nhu cầu trút giận của xã hội?
Theo : TS. BS Võ Xuân Sơn