Báo chí đưa tin về việc Sở Y tế TPHCM đưa ra thông báo, rằng trong số nhiễm virus Vũ Hán mới, có tới 86% số ca là đã được chích vaccine.

GS.Nguyễn Văn Tuấn đã có bài phân tích, cho thấy với tỉ lệ 86% số ca nhiễm virus Vũ Hán mới bị tại TPHCM đã được chích vaccine, có nghĩa là vaccine đã ngăn ngừa được 91% số trường hợp bị nhiễm. Ở đây, chúng ta phải hiểu, là cần so sánh tỉ lệ nhiễm trong số đã được chích vaccine, và tỉ lệ nhiễm trong số chưa được chích vaccine. Thật vậy, tỉ lệ nhiễm virus Vũ Hán trong số đã được chích vaccine thấp hơn 11 lần so với tỉ lệ nhiễm trong số người chưa được chích vaccine.

Như vậy, qua con số được công bố, chúng ta thấy hai vấn đề: (1) Chích vaccine rồi vẫn có thể bị nhiễm; (2): Chích vaccine giảm khả năng nhiễm một cách đáng kể. Tuy nhiên, đây là một kết luận khá chung chung. Lẽ ra, chúng ta phải có thống kê, chích loại vaccine nào thì tỉ lệ tái nhiễm là bao nhiêu, để biết mà đối phó, và lựa chọn loại vaccine phù hợp.

Kết luận này khẳng định một điều, chủ trương tiếp tục xét nghiệm sàng lọc trước khi vô bên trong phòng khám EXSON để khám bệnh là hoàn toàn đúng. Việc cho rằng chích 2 mũi vaccine rồi thì không cần xét nghiệm trong trường hợp này là không phù hợp.

Tại sao việc dùng test kháng nguyên tìm người nhiễm virus Vũ Hán để sàng lọc khi cho người dân lưu thông qua các tỉnh hoặc các khu vực dân cư là không cần thiết, mà sàng lọc khi vô phòng khám lại được coi là cần thiết?

Việc bắt người dân lưu thông trên đường phải xét nghiệm gây ra sự tốn kém lớn, cả về thời gain, tiền bạc. Với lượng lưu thông lớn, việc tổ chức lấy mẫu cũng sẽ dễ dàng gây lây nhiễm hơn. Nói tóm lại, việc xét nghiệm kháng nguyên để sàng lọc người dân lưu thông trên đường chứa đựng nhiều nguy cơ, tác hại nhiều hơn lợi ích. Không nên làm.

Còn tại các cơ sở y tế, nơi tập trung người yếu, người đang bệnh, người có bệnh nền… là những đối tượng nhạy cảm, dễ bị trở nặng và dễ tử vong nếu bị nhiễm. Đồng thời, việc tiếp xúc gần giữa nhân viên y tế và người bệnh trong cơ sở y tế là bắt buộc, không thể giữ khoảng cách như bên ngoài được. Cho nên, việc sàng lọc người nhiễm tại các cơ sở y tế có lợi nhiều hơn là có hại. Nên làm.

Như vậy, trong cộng đồng, người ta quan tâm đến xác xuất. Xác xuất thấp được coi là an toàn. Còn trong môi trường các cơ sở y tế, người ta qua tâm đến số lượng tuyệt đối. Khi đó, số lượng lớn hơn 0 là đã không được coi là an toàn.

Thực ra thì vẫn còn một bước cần làm nữa, là xét nghiệm kháng thể. Nếu biết được người đã chích vaccine có kháng thể thực sự hay chưa, điều đó sẽ giúp chúng ta mạnh dạn hơn trong tiếp xúc. tại EXSON, những nhân viên y tế có mức kháng thể cao hơn 132U/ml mới được cho ra tiếp xúc với những người có nguy cơ cao là đang bị nhiễm.

Những người chưa có kháng thể hoặc thấp hơn mức trên được “giấu” kĩ. Một phần là để họ không bị nhiễm, phần khác, rất quan trọng, là để họ không trở thành tác nhân lây bệnh cho những người bệnh lớn tuổi, có bệnh nền, hoặc người yếu, người đang bị bệnh… của phòng khám. 

Nếu những nhân viên của EXSON đã được chích đủ 2 mũi vaccine và đủ thời hạn sinh kháng thể, nhưng vẫn chưa có kháng thể, hoặc lượng kháng thể thấp hơn mức 132U/ml, là mức kháng thể mà FDA dựa vô đó để cho phép lấy huyết tương điều trị cho người nhiễm, sẽ được khuyến khích chích thêm mũi vaccine thứ 3.

Nói chung, môi trường của các cơ sở y tế là một mội trường đặc thù, có nhiều khác biệt so với môi trường xã hội bên ngoài. Đó là một môi trường nhạy cảm, mong manh, dễ bị tổn thương, và nếu bị tổn thương thì thiệt hại rất lớn. Do vậy, các cơ sở y tế cần phải được bảo vệ chặt chẽ.