Lâu lắm rồi, có lẽ phải đến 4, 5 năm nay tôi không xem bóng đá, kể cả bóng đá Việt Nam cũng như các giải đấu quốc tế, kể cả Wold Cup vừa rồi. Thật tình cờ tôi xem trận chung kết U19 Đông Nam Á.
Xem các cháu 16, 17, 18 tuổi thi đấu, tôi không thể ngờ có một đội bóng Việt Nam có đường nét thi đấu mạch lạc, chững chạc như vậy. Thật sự ngay cả khi xem đội tuyển Việt Nam thi đấu trước đây tôi chưa bao giờ thấy họ thể hiện được bản lĩnh thi đấu như vậy. Kĩ thuật, tư duy chiến thuật, khả năng thích nghi với trận đấu của các cầu thủ U19 Việt Nam có thể nói là hơn hẳn các thế hệ đàn anh trước đây. Dù rằng chúng ta không vô địch nhưng tôi vẫn nghĩ rằng trong trận đấu này, thực sự đội U19 Việt Nam vẫn là đội giỏi hơn, hay hơn, xứng đáng chiến thắng hơn. Đây không phải sự may mắn hay xui xẻo, cũng không phải chưa chắc đội hay hơn sẽ thắng mà là sự bất công của trọng tài, của tư duy sân nhà của bóng đá khu vực Đông Nam Á.
Tại sao các cầu thủ trẻ, rất trẻ của chúng ta có thể làm được như vậy? Tôi không biết có bao nhiêu cầu thủ trong đội tuyển U19 Việt Nam xuất thân từ học viện Hoàng Anh Gia Lai, nhưng hình như họ chiếm hầu hết các vị trí trong đội tuyển. Vậy là học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai đã tạo ra một dàn cầu thủ mới cho bóng đá nước nhà. Điều đó chứng tỏ người Việt Nam chúng ta hoàn toàn có thể làm được bất cứ việc gì, miễn là chúng ta có một nền giáo dục tốt, một môi trường làm việc tốt. Khi ra nước ngoài, sinh viên Việt Nam thường nằm trong tốp đầu của tất cả các ngành học, và sau khi ra trường, nếu được làm trong các công ty nước ngoài đàng hoàng, người Việt Nam vẫn luôn chiếm lĩnh các vị trí cao trong công ty. Lớp cầu thủ U19 của chúng ta xuất thân từ học viện Hoàng Anh Gia Lai đang được hưởng một nền giáo dục tốt, họ chưa ra trường, chưa về các câu lạc bộ, còn đang học ở trường, do vậy họ cũng có một môi trường làm việc tốt, do vậy, họ có đủ điều kiện để tỏa sáng, họ có đủ điều kiện để thể hiện những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam. Mong rằng sau khi về các câu lạc bộ, tiếp xúc với cuộc sống thật, các cầu thủ của chúng ta vẫn thể hiện được tài năng, bản lĩnh… những gì các cháu đã gặt hái được từ môi trường giáo dục tốt.
Cám ơn bầu Đức, người đã có những đóng góp thiết thực cho tương lai của nền bóng đá Việt Nam, người đã làm rất nhiều công việc cho đất nước Việt Nam mà từ đó đã phải chịu bao nhiêu là sự chèn ép, cạnh tranh một cách không quang minh chính đại, từ cả các thế lực ở trong nước lẫn ở nước ngoài.
Những ai xem trận đấu vừa rồi đều hiểu rất rõ tại sao đội tuyển của chúng ta không thắng. Lối đá rắn và sự làm ngơ của trọng tài đã làm cho các cầu thủ của chúng ta không thể thắng được trong 90 phút thi đấu. Không ít lần tôi đã phải phân vân trong việc dạy con. Cha mẹ tôi dạy tôi sự đàng hoàng, sự chính trực. Ra đời, tôi bị thua thiệt rất nhiều vì sự chính trực của mình. Tôi đã từng có ý định dạy cho con mình cách sống phù hợp với xã hội hiện nay, nhưng tôi không thể làm được điều đó. Mẹ tôi bảo đó là do cái “gen” nhà mình không thể “láu cá”, không thể “đểu cáng” được. Là bác sĩ, tôi biết cái gen có vai trò gì, nhưng tôi vẫn không lí giải được sự thất bại của mình. Và như vậy thì có nên trách bầu Đức chuyện không dạy cho các cháu tiểu xảo, không dạy cho các cháu mánh lới trong đá bóng hay không? Phải công nhận là trong trận cầu vừa qua, nếu các cháu có chút tiểu xảo, có sự láu lỉnh cần thiết thì gần như chắc chắn các cháu đã mang chiến thắng về cho đất nước. Ngày nay, sự thành công, sự thành danh được ca ngợi, được ghi nhớ, được tưởng thưởng, còn sự thành nhân thì ít được chú ý đến. Thật thương cho các cầu thủ của chúng ta, cứ trân mình mà chịu trận mưa tấn công đầy ác ý của đối thủ, không có những phản kháng cần thiết. Cái ông huấn luyện viên chỉ biết dạy sự chính trực kia cũng chẳng làm gì để điều chỉnh được trận đấu ngoài chuyện chịu trận đi, đá đi, đá cho đàng hoàng vào…
Rồi đây, khi về các câu lạc bộ, chắc chắn các cháu sẽ được dậy tất cả những gì tốt đẹp nhất cũng như những gì xấu xa nhất. Không biết các cháu có giữ được sự chính trực mà nhà trường đã dạy cho các cháu hay không? Tôi không biết mình phải mong cái gì, mong các cháu giữ được sự chính trực, hay là mong các cháu học được các tiểu xảo, học được cách trở thành kẻ tiểu nhân. Nhưng có một điều khá rõ ràng là hầu hết những sinh viên Việt Nam xuất sắc trong các trường học nước ngoài, khi về Việt Nam đều rất khó thành công nếu làm việc ở các cơ sở của Việt Nam, hoặc có thể trở thành những người rất nguy hiểm, vừa có kiến thức, vừa có sự nhạy bén, lại sẵn sàng hành xử một cách tiểu nhân để đạt được mong muốn, và trong quá trình đó, họ thấy rằng cái mà họ học được ở những trường học danh tiếng không giúp được họ nhiều bằng cái mà họ học được từ thực tế làm việc ở Việt Nam.
Người ta nói “Đi với Phật mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”. Một thành ngữ rất hay. Tuy nhiên, khi đã khoác áo giấy rồi thì còn có thể mặc cà sa được nữa hay không? Hay đó sẽ chỉ là cà sa bọc ra ngoài áo giấy mà thôi? Thế mới thấy rằng ngày nay, thành danh, thành công khó mà đi đôi được với thành nhân.
Người viết : TS.BS Võ Xuân Sơn