Trượt đốt sống

(Thanh niên Online) – Trượt đốt sống thắt lưng là bệnh lý thường gặp. Ngoài gãy eo thì các nguyên nhân bẩm sinh như: bất sản mấu khớp của cột sống, hướng của mấu khớp bất thường, chấn thương và thoái hóa cột sống cũng là những nguyên nhân có thể gây ra trượt đốt sống thắt lưng. 

Nguyên nhân

Trượt đốt sống có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chiếm tỷ lệ cao nhất là do gãy eo. “Eo” là một cấu trúc xương quyết định độ vững chắc của cột sống. Theo TS-BS Võ Xuân Sơn, với một số người do yếu tố bẩm sinh mà “eo” có kích thước nhỏ, khi làm việc hoặc gặp các chấn thương vừa phải, “eo” bị gãy, mối liên kết giữa hai đốt sống kế cận bị “lỏng” ra và đốt sống bị trượt. Ngoài gãy eo thì các nguyên nhân bẩm sinh như: bất sản mấu khớp của cột sống, hướng của mấu khớp bất thường, chấn thương và thoái hóa cũng là những nguyên nhân có thể gây ra trượt đốt sống thắt lưng.

Các đốt sống xếp chồng lên trên nhau tạo thành một trục xương và một ống gọi là ống sống, bên trong ống là tủy sống và các dây thần kinh. Thành ống sống được bao bọc bởi hệ thống dây chằng để kết nối chắc các đốt sống với nhau. Khi đốt sống bị trượt, sự kết nối không còn vững chắc, các dây chằng bị đứt từng phần, phản ứng của cơ thể làm cho dây chằng liền lại. Quá trình này lặp đi lặp lại làm các dây chằng phì đại gây bóp hẹp lòng ống sống, chèn ép vào các dây thần kinh trong lòng ống sống.

Biểu hiện

Theo TS-BS Võ Xuân Sơn, tùy mức độ chèn ép thần kinh mà có thể xảy ra đau thắt lưng, đau thần kinh tọa, tê hoặc mất cảm giác ở chân, yếu chân, teo cơ, rối loạn tiêu tiểu. Sự mất ổn định của mối liên kết giữa các đốt sống làm cho các đốt sống xê dịch khi người bệnh di chuyển, thúc ép vào hệ thống thần kinh gây đau hoặc co cơ, gây ra hiện tượng “cách hồi thần kinh” – là hiện tượng đi được một khoảng ngắn thì người bệnh có biểu hiện đau nhiều, hoặc yếu chân hoặc co rút bắp chân, phải nghỉ mới đi tiếp được.

Khi trượt đốt sống gây ra các thương tổn hệ thống thần kinh, có thể biểu hiện bằng tê hoặc mất cảm giác ở chân, yếu chân, teo cơ, rối loạn tiêu tiểu, hoặc gây ra hiện tượng “cách hồi thần kinh” với độ dài đi được tối đa là dưới 500 m, thì thường phải chỉ định mổ. Nếu chỉ có đau và không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống thì điều trị nội khoa và vật lý trị liệu được ưu tiên. Khi không có thương tổn thần kinh, không có cách hồi thần kinh, nhưng tình trạng đau làm ảnh hưởng nhiều, và không còn biện pháp giảm đau hữu hiệu nào khác, thì bác sĩ sẽ mổ.

Khi mổ trượt đốt sống, hai mục tiêu chính là giải ép (giải phóng các dây thần kinh ra khỏi sự chèn ép), và bất động (bằng cách hàn cứng) vùng trượt. Việc bất động thường được thực hiện bằng cách ghép xương, khi xương mọc ra sẽ làm hai đốt sống trượt dính liền vào nhau. Để đảm bảo sự bất động trong thời gian xương chưa mọc ra, người ta phải đặt dụng cụ (nẹp, vít) vào cột sống.

dau-cot-song

TS-BS Võ Xuân Sơn cho rằng, trước đây các thầy thuốc có xu hướng khuyên người bệnh tránh làm nặng, tránh vận động mạnh, có người phải chuyển nghề để có thể chung sống với trượt đốt sống. Tuy nhiên, quan điểm của y học hiện đại là nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp người bệnh có thể làm việc tùy theo nhu cầu cuộc sống, công việc và nghề nghiệp; nhiệm vụ của thầy thuốc là làm sao giúp người bệnh thực hiện được những việc mà họ muốn làm. Việc hạn chế làm nặng, hạn chế vận động chỉ là những lời khuyên cho một giai đoạn ngắn nhất định nào đó mà thôi.

Theo Thanh Tùng.