TRỞ LẠI SEOUL

Tôi không nhớ rõ lần cuối cùng tôi đến Seoul là vào năm nào, nhưng có lẽ phải trước năm 2006. Đây là lần thứ 5 tôi đến Hàn Quốc. Trong các lần trước cũng có lần tôi không ghé vào Seoul mà bay tiếp từ sân bay Inchion đi nơi khác.

Cảm nhận đầu tiên của tôi là sự thay đổi ở sân bay. Tất cả các lần trước tôi đều gặp vấn đê với an ninh sân bay, thậm chi có lần tôi còn bị giam lại vì họ cho là tôi sử dụng hộ chiếu giả, tôi cũng không biết tại sao lần đó họ xác nhận được để thả tôi ra vì chẳng có 1 lời giải thích, không một lời xin lỗi, chỉ có một cái tát tai của một anh ra vẻ là cấp trên đối với người đã quyết định giữ tôi lại và một tràng tiếng Hàn Quốc quát tháo nhau. Kèm theo các rắc rối với bộ phận an ninh là sự khó chịu của tôi với đất nước và con người Hàn Quốc ở những lần đến trước. Lần này, tôi đến Hàn Quốc với một tâm trạng khác, và tại sân bay mọi chuyện đã thay đổi đến không ngờ. Các cán bộ an ninh mỉm cười và chào, thủ tục nhập cảnh được làm xong trong khoảng khoảng 30 giây, hải quan cũng chẳng làm gì ngoài việc mỉm cười và cúi chào rồi đưa tay hướng dẫn tôi đường ra ngoài.

Khách sạn chúng tôi ở ngay tại trung tâm khu Gangnam, quê hương của bài hát (hay điệu nhảy) Gangnam style. Gangnam (đọc là kang nam) có nghĩa là khu phía nam của sông Hàn, con sông chảy qua Seoul (trong tiếng Hàn hướng nam và hướng đông phát âm giống như tiếng Việt), là quận đông dân thứ tư và có diện tích đứng thứ ba ở Seoul. Đây là khu dành cho giới cao cấp tại Seoul, giống như khu Phú Mỹ Hưng ở thành phố Hồ Chí Minh, tại đó có nhiều trường đại học chất lượng cao cùng với việc phát triển các dịch vụ cao cấp. Có lẽ Gangnam style thể hiện lối sống của tầng lớp trung lưu Hàn quốc nên nó có sức sống mãnh liệt, lan ra phạm vi toàn thế giới.

Khu hội nghị Coex, nơi diễn ra hội nghị của Liên đoàn Phẫu thuật viên Thần kinh thế giới (WFNS) mà chúng tôi tham dự lần này cũng nằm ở phía nam sông Hàn. Đây là một khu hội nghị lớn không thua kém gì các trung tâm hội nghị lớn ở Mỹ. Chỉ khác là nó được xây dựng khá cố định, không cơ động trong việc bố trí không gian như ở Mỹ. Hôi nghị của WFNS được tổ chức ở 26 phòng, mỗi phòng thường là sự thông nhau của 2 hoặc 3 phòng nhỏ, có sức chứa khoảng 150 đến 200 người, và một phòng lớn chứa được 3.000 người tham dự, cùng với một khu triển lãm dụng cụ y khoa cỡ vài héc ta mặt bằng. Tuy nhiên, toàn bộ hội nghị chỉ chiếm một phần nhỏ của khu vực. Tôi ước tính có thể cùng lúc tổ chức được cỡ 5 hội nghị tương tự trong khu hội nghị Coex.

Có thể nói so với những lần đến Hàn quốc trước đây của tôi, đã có một sự thay đổi rất lớn trong xã hội Hàn quốc. Người Hàn rất nhiệt tình với du khách, họ tận tình chỉ dẫn, khi không thể giúp được, họ hướng dẫn cho chúng tôi chỗ để hỏi, để tìm. Hình ảnh này tôi được thấy ở Nhật cách đây khoảng 15 năm. Cũng giống nước Nhật lúc đó, không có nhiều người Hàn nói tiếng Anh nhưng họ rất nhiệt tình, dùng đủ các phương tiện để trao đổi với chúng tôi. Người Hàn quốc tỏ ra rất tự hào về Samsung, LG, Huyndai và Gangnam style. Họ khoe với chúng tôi những mẫu xe hơi mới do Samsung kết hợp với Renault (Pháp) sản xuất. Trong những ngày dự hội nghị, chúng tôi được mời ăn một bữa tối, trong đó có biểu diễn trống. Đội biểu diễn dùng bộ trống của dàn nhạc tây, kèn dân tộc và violon kết hợp với trống cổ truyền Hàn Quốc. Sự pha trộn giữa truyền thống và hiện đại giúp các vị khách hiểu rõ hơn ý nghĩa của bài trống và gần như tất cả du khách đều lên nhảy cùng với ban trống, tạo thành một bầu không khí thân thiện. Không hiểu nhiều về âm nhạc nên tôi không biết gì về Gangnam style ngoài cái tên của nó, tôi không ngờ ông Chủ tịch Liên đoàn Phẫu thuật viên Thần kinh thế giới người Mỹ và bà Phó Chủ tịch người Nhật cũng lên nhảy điệu Gangnam style sôi động cùng với hầu hết thực khách. Người Hàn đã thành công trong việc chinh phục thế giới bằng nghệ thuật và kĩ thuật.

Seoul cách biên giới với Bắc Triều tiên chỉ có hơn 50km đường chim bay, khoảng 70km đường bộ. Chúng tôi có một chuyến thăm khu phi quân sự trên biên giới 2 nước. Người Triều tiên khát khao thống nhất đất nước nên có rất nhiều câu chữ, hình ảnh nói lên khát vọng này. Ngày 26-06-1950, Kim Nhật Thành với sự giúp sức của Liên Xô đưa quân sang đánh Hàn quốc, chiếm Seoul và một phần khá lớn đất Hàn quốc. 16 nước liên quân trong đó có Mỹ đứng về phe Hàn Quốc tham chiến, phía bên kia Trung quốc cũng tham chiến. Cuối cùng cuộc chiến tạm dừng với hiệp ước đình chiến cho đến tận ngày nay. Năm 1953, một khu phi quân sự được lập ra trên phạm vi 2 km về mỗi bên kể từ đường giới tuyến chạy dọc theo vĩ tuyến 38. Kể từ sau cuộc chiến đó, quân Mỹ đóng luôn trên đất Hàn Quốc và Hàn Quốc được coi là đồng minh thân cận của Mỹ. Trong chiến tranh Việt Nam, tổng thống Pak Chung Hy, bố của tổng thống Hàn quốc hiện nay, đã gởi quân Nam Hàn sang Việt Nam. Sau này người Hàn quốc bảo đó là lính đánh thuê, họ đi đánh Việt nam để chính phủ lấy tiền xây dựng đất nước. Trong mấy ngày ở Hàn quốc, chúng tôi có gặp một người đã từng tham chiến tại Việt nam. Ông ta rất vui mừng khi được gặp người Việt nam, ông còn nhớ khá nhiều từ tiếng Việt mặc dù đã hơn 40 năm ông chưa hề quay lại Việt nam. Ông ta rất nhiệt tình với chúng tôi nhưng tôi vẫn không thể nào gạt bỏ được hình ảnh của những câu chuyện về lính Nam Hàn mổ bụng ăn gan Việt cộng trong chiến tranh, dẫu biết rằng hiện nay chúng ta là bạn.

Khoảng những năm đầu 1970, một toán biệt kích của Bắc Triều Tiên được cử sang Hàn quốc ám sát tổng thống Hàn quốc nhưng không thành. Sau đó, Hàn quốc lần lượt phát hiện 4 đường hầm do Bắc Triều tiên đào sâu dưới lòng đất xuyên qua biên giới hai miền với mục đích chuyển quân qua đánh Hàn Quốc. Chúng tôi được thăm đường hầm thứ 3, đường hầm gần Seoul nhất, chỉ cách có 52km. Hầm được đào sâu dưới lòng đất 70m, phần xâm nhập vào phía Hàn Quốc dài 1.600m, có khoảng 250m hầm được mở cho khách du lịch tham quan, phần còn lại được chặn bằng nhiều lớp tường. Hầm nằm trong 1 quả núi đá nên vẫn còn dấu vết của việc đào đá, đa số chỗ cao bằng đầu người nhưng vài đoạn thấp hơn, phải lom khom cúi đầu. Đứng tại khu phi quân sự nhìn sang khu công nghiệp Keasong thấy khá rõ các nhà máy, nhưng không có gì chứng tỏ rằng chúng đang hoạt động.

Tại khu phi quân sự bên phía Hàn Quốc có 1 ga xe lửa. Đường xe lửa nối 2 miền đã có từ những năm trước 1940. Đến năm 1953, sau khi hai bên trao trả tù bình qua cây cầu có đường xe lửa đi qua nối 2 miền nam bắc, Bắc Triều tiên đã phá sập phần cầu ở phía bên mình, Hàn quốc vẫn để cây cầu như một minh chứng mong nối lại giao thương giữa hai nước. Ngày 11 tháng 12 năm 2007, chuyến tàu đầu tiên nối 2 miền nam bắc Triều tiên. Các chuyến tàu chạy hàng ngày cho đến ngày 01 tháng 12 năm 2008 thì bị phía Bắc Triều tiên đóng cửa. Lí do đóng cửa được Bắc Triều tiên đưa ra là do tổng thống Hàn Quốc lúc bấy giờ (nhậm chức vào tháng 2) đã tỏ lập trường cứng rắn với Bắc Triều tiên, do áp  lực của người dân sau vụ một cô giáo 53 tuổi người Hàn Quốc, đang nghỉ tại resort của Huyndai đặt trên đất Bắc Triều tiên trong khu phi quân sự, bị lính Bắc Triều tiên bắn chết khi cô đang chạy bộ và xâm nhập vào vùng quân sự của phía Bắc Triều tiên.

Rời khu phi quân sự trở về Seoul. Chỉ trừ vài cây số sát khu phi quân sự với những hàng rào thép gai và những người lính cùng xe quân sự di chuyển, cả đoạn đường còn lại khá đông đúc và hiện đại với những dãy chung cư cao tầng. Về đến Seoul, nơi có những cầu vượt nhiều tầng giao nhau qua sông, qua đường xe lửa, nơi có một dòng suối nhân tạo dài 6km ngay giữa lòng thành phố để cho người dân đến nghỉ trong những ngày nắng nóng mùa hè, nơi có trụ sở của các công ty đang dần chiếm lĩnh thế giới, nơi đầy các cửa hàng của những nhãn hiệu thời trang nổi tiếng nhất trên thế giới như Prada, Luis Vuton… Tôi không hiểu cái gì đang chống lại sự thống nhất của hai miền đất nước Triều tiên, để người dân Bắc Triều tiên cứ phải sống trong đói khổ, lạc hậu, phải hàng ngày thề trung thành với lãnh tụ. Đó có phải là ý thức hệ như người ta thường nói không? Hay chỉ đơn thuần là sự duy trì quyền lực của một triều đại cha truyền con nối? Cũng có thể đó là một chiêu chia cắt để tạo vùng đệm bảo vệ cho “mẫu quốc” như trước đây Việt Nam chúng ta đã từng bị?

Theo TS.BS Võ Xuân Sơn