Câu chuyện của tôi chắc có nhiều bạn biết. Mặc dù tôi và bạn nhà báo đã từng viết về tôi đã bắt tay nhau, nhưng tôi thấy vẫn nên viết ra đây câu chuyện của tôi để các bạn hiểu được, tại sao một bác sĩ lại có thể từ chối mổ cho người bệnh, để có cái nhìn khách quan về chuyện này.
Khi một bài báo đăng lên, nói không tốt về một bác sĩ, việc đầu tiên, bác sĩ ấy trở thành một kẻ xấu trước mặt bệnh nhân của mình. Vị bác sĩ đó đứng trước những mối nguy hiểm, có thể bị những bệnh nhân quá khích tấn công bất cứ lúc nào, hoặc chí ít, bị những bệnh nhân kềm chế hơn tỏ thái độ không tốt, khi có điều gì không vừa ý, cho dù là do khách quan.
Tôi đã từng chịu đựng nhiều khó khăn vì những bài báo ấy. Đậu đổ bìm leo, bệnh nhân thấy tôi bị lên báo, dù cho tôi mổ từ thiện, và cuộc mổ tốt, nhưng vẫn đòi tôi bồi thường. Một số đồng nghiệp vui mừng, kích động bệnh nhân kiện, thậm chí có đồng nghiệp không kích động được bệnh nhân, tự mình gởi đơn nặc danh để kiện. Cùng một lúc mấy vụ kiện, vụ nào cũng hết sức vô lí và bất nhân. Những đối tác làm ăn thấy tôi đến lúc mạt vận, người tốt thì lảng ra, “quên” đi những lời hứa, người xấu thì lật lọng, quịt tiền.
Lúc ấy, tôi trở nên nhạy cảm, với cái xấu, với cái tốt, với bất cứ một thái độ bất thường nào, kể cả với những chia sẻ, an ủi, vì không biết chắc cái gì đang đứng đằng sau. Tôi không thể từ bỏ công việc, nhưng thận trọng hơn nhiều. Một anh bạn là đại gia, khuyên tôi nên ngừng hết mọi hoạt động. Bản thân anh đã rơi vào hoàn cảnh như vậy, và anh đã trở thành công dân Mỹ từ đó. Anh cho biết tôi sẽ không có lối thoát nếu tôi không thỏa hiệp, không dùng tiền mua lấy sự yên thân.
Anh bạn nói đúng, câu chuyện ngày một nâng cao cấp độ, tôi trở thành người “nổi tiếng”. Đúng lúc ấy, có một bệnh nhân đến khám, và tôi quyết định mổ. Ngay trước hôm mổ, tôi phát hiện bệnh nhân đó là phóng viên của tờ báo đã đăng cả loạt bài về tôi. Vợ tôi hỏi: anh có chắc là sẽ mổ tốt không? Nguyên kíp mổ lo lắng, liệu tôi có đủ tỉnh táo để mổ cho ca này không? Liệu tôi có đủ bình tĩnh để xử lí nếu có tình huống bất ngờ xảy ra khi đang mổ hay không? Và khi có chuyện xảy ra, thiệt hại sẽ là gì?
Tôi quyết định không mổ cho nhà báo đó. Tôi đã nói thẳng mọi chuyện với anh ta và thân nhân. Anh ấy chuyển từ thuyết phục sang trách móc, và cuối cùng là nặng lời. Tôi chọn giải pháp ít xấu nhất cho mình, và cả cho bệnh nhân. Sau đó, câu chuyện của tôi bùng phát, khoảng 30 tờ báo đăng, đến mức mà tôi không còn quan tâm xem báo nào đăng, đăng như thế nào nữa. Tôi âm thầm chuẩn bị kế hoạch theo chân anh bạn đại gia.
Tôi quen một số nhà báo, tôi thấy đa phần họ là những người thông minh, nhanh nhạy. Nghề nghiệp huấn luyện họ có sự nhạy cảm đặc biệt để định hướng điều tra, tìm hiểu sự thật. Vấn đề còn lại là họ có viết đúng sự thật, có đủ bản lĩnh để bảo vệ quan điểm trước hàng trăm yếu tố chi phối hay không? Có thể nói đa số những nhà báo tôi quen đều thể hiện sự thẳng thắn trong nhận xét, viết chừng mực, có lí, có tình. Nhưng bên cạnh đó, rất nhiều nhà báo viết về y tế, nhất là những người ít hiểu biết về lĩnh vực này, không được như vậy.
Những nhà báo yếu nghiệp vụ, hoặc sẵn sàng bẻ cong ngòi bút đã làm cho cộng đồng hiểu rằng, ngành y chỉ toàn những nhân viên y tế xấu xa, vô lương tâm. Họ biến một số bác sĩ đầy lương tâm, trách nhiệm thành những người vô cảm. Họ còn làm cho nhiều nhân viên y tế có suy nghĩ lệch lạc rằng, nhà báo toàn là một lũ bồi bút, kền kền.
Giống như bác sĩ, bên cạnh những nhà báo tốt vẫn còn nhiều nhà báo xấu. Một cuộc đấu tranh đang diễn ra âm thầm nhưng gay gắt, giữa những nhà báo chân chính, chống lại những con kền kền, những tên bồi bút.
Theo : TS. BS Võ Xuân Sơn