Tính hai mặt của xã hội y tế công

Cách đây 15 năm, bệnh viện nơi tôi làm việc được coi là đầu ngành về nhiều chuyên khoa tại miền Nam. Được JICA đưa vào chương trình trợ giúp, trang bị cho một số máy móc và phương tiện hiện đại, các bác sĩ và nhân viên y tế ở đây đã nhanh chóng tiếp cận và làm chủ các kĩ thuật chẩn đoán, thăm dò chức năng và điều trị hiện đại.

Sự giúp đỡ chỉ có hạn, và không thể theo kịp với tốc độ phát triển về khả năng chuyên môn của đội ngũ nhân viên y tế. Máy móc nào được trang bị cũng gần như ngay lập tức bị quá tải. Hàng loạt các yêu cầu trang bị mới hoặc trang bị thêm các máy móc, trang thiết bị không được đáp ứng.

XÃ HỘI HÓA Y TẾ CÔNG, GIẢI PHÁP CỨU NGUY

Chủ trương xã hội hóa y tế ra đời. Các gói kích cầu được nhà nước đưa ra đã giải quyết được một phần những nhu cầu đó. Mặc dù hàng chục ngàn tỉ đồng được bỏ ra, nhưng chẳng thấm tháp vào đâu với nhu cầu vốn đầu tư cho y tế. Các hình thức xã hội hóa y tế khác, như liên kết với các cá nhân hoặc các doanh nghiệp trong và ngoài quốc doanh đã được áp dụng để giải quyết vốn cho trang thiết bị y tế, và gân đây là cho cả xây dựng cơ bản trong y tế.

Trong tình hình kinh tế xã hội và đặc điểm hoạt động ngành y hiện nay, đây là một chủ trương đúng. Nếu như ở một số nước đang phát triển khác, nỗi lo về nhân sự lớn hơn nỗi lo về vốn đầu tư cho trang thiết bị y tế thì ở Việt nam, cho đến thời điểm hiện nay, việc đào tạo nhân sự để có thể làm chủ các trang thiết bị hiện đại đối với các bệnh viện công có vẻ không khó khăn lắm. Cái khó khăn nhất trong đào tạo nhân sự y khoa chất lượng cao ở Việt nam hiện nay vẫn chỉ là kinh phí đào tạo.

Nhiều kĩ thuật mới được áp dụng. Trong khi nền kinh tế của chúng ta vẫn còn thua kém các nước khá xa, người bệnh Việt nam đã được hưởng những thành tựu khoa học ở mức rất cao, gần giống như ở các nước phát triển. Tuy nhiên, hàng loạt vấn đề xã hội được đặt ra.

MẶT TRÁI CỦA XÃ HỘI HÓA Y TẾ CÔNG

Việc xã hội hóa y tế công dẫn đến việc áp dụng nhiều chuẩn mực chuyên môn cho người bệnh trong cùng một môi trường, và thật đáng tiếc, tiêu chuẩn để áp dụng các chuẩn mực lại là tiền. Xã hội hóa bắt buộc phải thu hồi vốn và có lời, do vậy, nó không thể mang lại lợi ích cho tất cả người bệnh, mà chỉ cho một số có tiền.

Ở cái bệnh viện nơi tôi làm trước đây, mỗi khi bước chân đến khu dịch vụ, không khí vắng lặng, sạch sẽ, máy lạnh chạy mát rượi. Sự khác biệt một trời một vực so với những khu bệnh đông đúc sát bên, 2, 3 người chen nhau trên một cái giường, nóng nực, dơ bẩn. Đau lòng hơn là khi hai người bệnh nằm kề nhau, thậm chí, nằm chung một giường, cùng bị một thứ bệnh như nhau, mà chỉ vì tiền, mỗi người được chữa trị theo một cách khác nhau, với sự khác biệt rất lớn về nguy cơ tai biến hoặc hiệu quả.

Xã hội hóa y tế công còn là tiền đề cho một sự bất công khác. Theo cách phân tuyến hiện nay, các bệnh viện tuyến dưới không được phép làm nhiều kĩ thuật tiến tiến, hiện đại. Từ đó, các nhà đầu tư sẽ tập trung vào các bệnh viện tuyến trên, tạo ra sự chênh lệch ngày càng lớn giữa tuyến trên và tuyến dưới, làm cho người bệnh đổ dồn lên các tuyến trên, gây ra sự quá tải ở tuyến trên. Sự quá tải này giúp cho các bộ phận xã hội hóa ở các bệnh viện tuyến trên ngày càng “ăn nên làm ra”, nên ít nhiều ảnh hưởng đến quyết tâm giảm tải của các bệnh viện tuyến trên.

Xã hội hóa y tế cũng được nói đến như một yếu tố gây ra tiêu cực ở các bệnh viện công. Sự tiêu cực này có thể tác động đến một bộ phận nhân viên y tế, dẫn đến sự lạm dụng các kĩ thuật chẩn đoán và điều trị để thu lợi bất chính, Hoặc ở một góc độ khác, việc tận dụng cơ sở vật chất của công để làm dịch vụ sẽ lấy mất đi một số tiện ích, gây thiệt thòi quyền lợi cho người bệnh nghèo.

Với tính hai mặt như vậy, xã hội hóa chỉ nên được xem là một phương pháp cứu nguy tạm thời cho y tế công, không nên coi đó là phương thức lâu dài, vì nó sẽ dẫn đến những hệ lụy xã hội khôn lường. Ngành y tế cần phải được cải tổ lại theo hướng đó là hoạt động dịch vụ.

GỈAI PHÁP NÀO CHO Y TẾ VIỆT NAM?

Với việc tính đúng, tính đủ chi phí y tế, đồng thời đẩy mạnh bảo hiểm y tế công, ngành y đang từng bước đi vào quĩ đạo chung của y tế thế giới. Tuy nhiên, còn khá nhiều việc phải làm để cho những bước đi của y tế Việt nam trở nên mạnh mẽ và hiệu quả hơn.

Tăng nguồn thu cho BHYT công và thực hiện BHYT toàn dân là việc bắt buộc phải làm. Chỉ có như vậy mới có thể có đủ tiền để trả cho những chi phí tính đúng, tính đủ. Việc tăng nguồn thu phải được thực hiện thông qua nhiều hình thức, tăng tỉ lệ thu, tỉ lệ được tính trên thu nhập thực tế, không phải trên lương cơ bản, mua BHYT tự nguyện theo hộ gia đình hoặc theo khu vực dân cư.

BHYT công phải thay đổi cách chi trả. Cách tốt nhất là chi trả theo chuẩn. Chuẩn do Bộ Y tế ban hành, đối với từng loại bệnh, từng phương pháp điều trị thì tổng chi phí là bao nhiêu, BHYT phải bảo đảm chi trả theo mức chuẩn đó. Việc BHYT công dùng nguồn tiền thu được đầu tư sinh lời cũng phải được qui định, bắt buộc phải đầu tư vào y tế, vào ngay các bệnh viện mà BHYT đang chi trả.

Ngành y tế cũng phải xóa đi sự phân tuyến bất hợp lí như hiện nay. Ngoài y tế gia đình là nơi khám chữa bệnh ban đầu, các bệnh viện khác phải được đánh giá dựa trên khả năng nhân lực, vật lực chứ không bị ép vào hệ thống phân tuyến. BHYT phải chi trả công bằng theo mức chuẩn cho tất cả các bệnh viện, không áp dụng mỗi nơi một giá, không bắt buộc người khám chữa bệnh theo tuyến như hiện nay.

Trên đây mới chỉ là những đề xuất rất cơ bản. Để giảm bớt các bất công trong chăm sóc y tế cho người dân Việt nam, để y tế Việt nam phát triển lên tầm cao khu vực và thế giới, còn rất nhiều việc phải làm để tạo ra một cơ chế phù hợp với hoàn cảnh Việt nam.

http://infonet.vn/xa-hoi-hoa-y-te-bat-cong-trong-long-benh-vien-cong-post166073.info

Theo : TS. BS Võ Xuân Sơn