Trải nghiệm làm cho tôi không còn dám tin vào bản đồ, không dám tin vào những con đường mà họ vạch ra và bảo tôi đi theo.
Tháng 7 năm 2007 tôi nghỉ việc, bệnh viện mới chưa xây xong, dự kiến mấy tháng sau mới đi vào hoạt động. Cả nhà tôi làm một chuyến du lịch xuyên Việt, thực chất là xuyên miền Bắc, vì vào thời điểm đấy, khu vực từ Quảng Bình trở vào đến Cà Mau chúng tôi khá quen thuộc.
Để chuẩn bị cho chuyến đi, tôi mua một cuốn bản đồ đường bộ Việt nam xuất bản năm 2006 (mới nhất lúc bấy giờ). Tôi chú ý đoạn Tây Bắc và Việt Bắc là những chỗ tôi không biết đường. Kiểm tra xe cộ, chuẩn bị sẵn đồ ăn nước uống, chăn mùng mền võng tăng… Chúng tôi lên đường.
Bị một lần chỉ đường đi loạn xạ nên tôi không dám hỏi người đi đường, quyết tâm đi theo bản đồ. Từ Hà nội, chúng tôi qua Hòa Bình, Sơn La, rồi từ đó, đi qua đèo Pha đin, đèo dài nhất Việt nam, tới ngã ba Tuần giáo.
Theo bản đồ, nếu chúng tôi quẹo phải sẽ là đường lớn (hình như là quốc lộ 6), dẫn đến Mường Lay, thủ phủ tỉnh Lai châu, từ đó có đường đi Điện biên và trở lại. Còn quẹo trái là đường nhánh nhỏ, dẫn đến Điện biên. Tôi chọn bên phải tới Mường Lay rồi đi Điện Biên, vì từ Mường Lay đến Điện biên có một đèo dài (tôi thích lái xe đi đường đèo, mà đèo trong nam lái không “đã” lắm).
Tôi thấy đường quẹo trái đi Điện biện rất lớn, trong khi đường quẹo phải đi Mường lay lại nhỏ hơn. Xem lại bản đồ, đúng là đường bên phải là đường lớn, đường bên trái là đường nhỏ. Xem lại bản đồ một lần nữa, chắc chắn là bản đồ mới. Quyết định đi đường bên phải, đến Mường lay.
Ban đầu, đường hơi khó đi, có vẻ như lâu ngày không được tu bổ. Càng đi, đường càng xấu. Có những chỗ mất một đoạn đường, chúng tôi phải lao xuống hố rồi bò lên, có chỗ lội nước ngập nửa bánh xe. Niềm tin vào bản đồ làm cho tôi luôn hi vọng đây là đoạn khó nhất, một chút nữa sẽ đến chỗ dễ đi hơn. Cứ như vậy, sau 10 tiếng đồng hồ, theo dự kiến ban đầu thì chỉ 1 đến 2 giờ, chúng tôi đến Mường Lay.
Mường Lay vắng ngắt, không có dân, chẳng có ánh đèn. May quá, gặp một anh chàng xe tải. Thì ra Mường lay sẽ bị xóa sổ, sẽ là lòng hồ thủy điện Sơn La. Đường rẽ trái ở Tuần Giáo đi Điện biên là con đường thay thế, từ đó có đường khác đi Lai châu. Vậy là đang đêm, chúng tôi rời Mường lay đi thị xã Lai châu mới.
Chuyến đi đó còn kéo dài qua Sapa, Lào Cai, Hà Giang với Đồng Văn, Mèo Vạc, Cao bằng, Lạng Sơn… giữa mùa giông bão, sạt lở… Gia đình tôi được một trải nghiệm vô cùng thú vị. Trải nghiệm làm cho tôi không còn dám tin vào bản đồ, không dám tin vào những con đường mà họ vạch ra và bảo tôi đi theo.
Cũng từ đó, tôi nghiệm ra một điều, con đường đúng phải là con đường đưa được ta tới đích với cái giá phải trả thấp nhất. Còn những con đường vạch ra, cho dù là bởi những nhà vẽ bản đồ giỏi nhất, mà không đưa được ta tới đâu, hoặc lòng vòng với cái giá quá đắt, đều là những con đường sai. Mọi sự biện bạch đều chỉ là ngụy biện.
Người viết : TS.BS. Võ Xuân Sơn