Thái độ đối với việc hành hung nhân viên y tế

hanh-hung

Hàng ngày, các cơ sở y tế Việt nam khám chữa bệnh cho hàng mấy trăm ngàn lượt bệnh nhân, mổ hàng chục ngàn ca vừa cấp cứu vừa theo lịch, cấp cứu cho nhiều ngàn trường hợp, trong đó cứu sống hàng trăm trường hợp mà tính mạng chỉ còn là “mành chỉ treo chuông”. Với một số lượng lớn như vậy, làm sao mà không có những biến chứng, những sai sót chuyên môn?

Nếu chỉ nhìn trên các trang mạng thì sẽ thấy nhân viên y tế và bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân cứ như là hai nhóm kẻ thù ở hai bên chiến tuyến. Cứ mỗi khi có thông tin nhân viên y tế bị hành hung, chúng ta lại có dịp chứng kiến các chiến tuyến giữa hai nhóm. Một bên thì hờn tủi, căm phẫn, bên kia lại hả hê, ra sức nhục mạ đối thủ.

Sau mỗi vụ nhân viên y tế bị hành hung là hàng ngàn, hàng vạn người nhao nhao lên: không có lửa làm sao có khói, rồi suy diễn đủ cách, rồi kể ra đủ chuyện chứng minh rằng nhân viên y tế là đáng bị đánh, đáng bị giết. Trong số những câu chuyện được kể ra, thỉnh thoảng có những câu chuyện nhân viên y tế có lỗi, nhưng phần lớn cho thấy đám đông chỉ suy nghĩ một chiều và thành kiến.

Thực sự thì hầu hết những “bằng chứng hùng hồn” được phe đối thủ của nhân viên y tế đưa ra để thông cảm cho những hành vi bạo lực nhằm vào nhân viên y tế đều là những trường hợp khá thông thường mà ngành y gặp phải. Một số nhân viên y tế ra sức giải thích, viết, nói, đăng báo… Nhưng nó cứ trôi tuột đi ra khỏi những cái đầu định kiến.

Nhiều bác sĩ, nhân viên y tế, đặc biệt là ở các phòng cấp cứu, khi đứng trước bệnh nhân đã luôn phải giữ khoảng cách, dự trù trước đường thoát thân, đầu óc tập trung vào việc nắm bắt “tâm tư nguyện vọng” của “đối thủ”, nắm bắt dấu hiệu “khả nghi”, phát hiện hành vi “báo động”… Với tâm trạng như vậy, làm sao mà ân cần, làm sao mà chuyên tâm vào khám, chữa bệnh, làm sao mà không có sai sót, biến chứng?

Hàng ngày, các cơ sở y tế Việt nam khám chữa bệnh cho hàng mấy trăm ngàn lượt bệnh nhân, mổ hàng chục ngàn ca vừa cấp cứu vừa theo lịch, cấp cứu cho nhiều ngàn trường hợp, trong đó cứu sống hàng trăm trường hợp mà tính mạng chỉ còn là “mành chỉ treo chuông”. Với một số lượng lớn như vậy, làm sao mà không có những biến chứng, những sai sót chuyên môn? Chưa kể sự quá tải, những qui định chồng chéo, áp lực của cơm áo gạo tiền, và đặc biệt là áp lực từ sự đối xử bất công của xã hội đối với nhân viên y tế, là những yếu tố làm gia tăng tỉ lệ sai sót, biến chứng.

Đồng ý là có một số nhân viên y tế không có đạo đức tốt, vòi vĩnh tiền bạc, thái độ trịch thượng hoặc vô cảm, nhưng đó không phải là phổ biến. Tôi không biết có bao nhiêu nhân viên y tế ở nước Việt nam, tính theo tỉ lệ dân số thì chắc khoảng hơn nửa triệu người. Bao nhiêu trong số đó vòi vĩnh hoặc vô cảm? Nếu thống kê tất cả các vụ mà người ta tố cáo trên mạng, có lẽ không đến 2% số nhân viên y tế có hành vi như vậy.

Gần 30 năm trong nghề, khám, chữa, cấp cứu cho hàng trăm ngàn bệnh nhân, từ người cực nghèo đến người siêu giàu, từ người dân ở vùng sâu vùng xa đến dân thành thị, Việt kiều, từ người mù chữ đến đại trí thức, từ công nhân vệ sinh đến cán bộ cao cấp, tôi có thể khẳng định rằng, tất cả những trường hợp hối lộ nhân viên y tế đều chỉ nhằm một mục đích làm cho mình được hơn những bệnh nhân khác, những người cùng cảnh ngộ với mình, từ chỗ nằm tốt hơn đến sự chăm sóc tốt hơn, từ tấm drap giường trắng hơn đến bộ quần áo sạch hơn so với người khác.

Đồng ý là những mong muốn “hơn người” đó là chính đáng, nhưng điều kiện chung chỉ có vậy, nếu muốn tốt hơn hãy vào bệnh viện tư. Hành vi dùng phong bì mua chuộc nhân viên y tế là sự ích kỉ, gây thiệt hại cho bệnh nhân khác, làm tha hóa nhân viên y tế… đồng thời, đó là một hành vi phi nhân tính. Hãy đừng tỏ ra tự hào mà khoe khoang, và cũng đừng lấy đấy làm lí do để căm ghét nhân viên y tế, để thông cảm hay cổ súy cho những hành vi bạo lực nhắm đến nhân viên y tế.

Hãy đừng vì bất cứ lí do gì để tỏ ra thông cảm hay cổ súy cho những hành vi bạo lực nhắm vào nhân viên y tế. Sử xự như vậy chỉ làm cho tình hình càng ngày càng tệ hại, làm cho mối quan hệ thầy thuốc – bệnh nhân ngày càng xấu đi, dẫn đến những thiệt hại cho người bệnh và cho xã hội. Cần phải nhìn nhận việc tỏ ra thông cảm hay cổ súy cho những hành vi bạo lực nhắm vào nhân viên y tế là sự vô trách nhiệm đối với xã hội.

Theo : BS. Xuân Sơn