Bây giờ các con đã lớn, học hành, phát triển bình thường. Nhìn những trường hợp bệnh tật hàng ngày gặp phải, đọc được những dòng viết của bạn Hoàng Lê Vũ, tôi thấy mình quả là may mắn.
Đọc một stt vô cùng cảm động của bạn Hoàng Lê Vũ về chuyện sinh con của gia đình bạn ấy, rồi đọc được tâm sự của một bạn khác, thật xúc động. Nhớ lại ngày con tôi sinh ra, cũng một tâm trạng lo lắng, bồn chồn.
Kể từ khi chưa ra trường cho đến trước khi có con đầu lòng, tôi thường xuyên tiếp xúc với tia X. Thời đó chưa có CT. MRI như bây giờ. Tất cả các trường hợp nghi có máu tụ trong sọ hoặc u não đều được chẩn đoán bằng một kĩ thuật gọi là chụp mạch não đồ qua động mạch cảnh.
Gần như ngày nào tôi cũng phải làm, ít thì 1, 2 ca, nhiều thì có khi tới 5 ca một ngày. Để làm kĩ thuật này, bác sĩ sẽ phải chích một cây kim vào động mạch ở cổ của người bệnh, xong rồi bơm một lượng thuốc cản quang vào trong đầu người bệnh và chụp Xquang ngay trong khi bơm hoặc trễ hơn 1, 2 giây. Khi bơm thuốc và chụp thì bác sĩ sẽ phải đứng ngay tại chỗ tia X phóng ra.
Hồi đó chúng tôi chưa chuẩn bị để có con, dự định vài năm nữa. Khi vợ tôi có thai ngoài kế hoạch, tôi rất lo lắng vì tôi thường xuyên phải làm kĩ thuật nói trên, trong khi cái áo chì của khoa Xquang thì hư, chì rụng hết, nên chuyện chúng tôi phơi ra dưới tia X là chuyện bình thường, dù có mang áo chì hay không.
Khoa tôi làm là khoa duy nhất ở bệnh viện Chợ Rẫy có bệnh nhi. Hầu hết bệnh nhi của chúng tôi lúc đó đều là những bệnh nhi mắc các dị tật bẩm sinh, thường gặp nhất là bệnh đầu nước, rồi thoát vị tủy, màng tủy, hẹp sọ hoặc vô não… Đó là những căn bệnh vô cùng nguy hiểm. Đa số không sống được lâu, số khác nhẹ hơn thì bị ảnh hưởng suốt cuộc đời, trở thành nỗi đau khổ cho gia đình.
Chúng tôi thường xuyên tiếp nhận bệnh nhi từ các bệnh viện sản như Từ Dũ, Hùng vương. Nhiều bé mới sinh được vài giờ được bế qua. Có bé mới sinh ra thì khối thoát vị tủy màng tủy đã vỡ, phải mổ cấp cứu. Như vậy mới sinh được vài giờ là đã phải mổ. Bản thân tôi cũng đã nhiều lần mổ cho những cháu bé vài giờ tuổi như vậy.
Tất cả những điều đó luôn ám ảnh tôi, nhất là từ khi vợ tôi có thai. Khi đi học, chúng tôi biết nhiều phụ nữ sau khi nạo phá thai đã không còn có thể mang thai. Hồi đó, chưa có ở đâu làm các xét nghiệm xác định phôi thai tốt hay không, có dị tật hay không, cũng chưa có siêu âm để theo dõi thai nhi như bây giờ. Chúng tôi quyết định sẽ sinh con trong lo lắng.
Có thể nói suốt thời gian vợ tôi mang bầu, tôi luôn ở trong tâm trạng vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì mình sắp được làm cha, nhưng lo là vì không biết con có bị gì không. Lo lắng nhưng không dám nói ra, chỉ biết giữ trong lòng. Nói ra thì vợ tôi lo lắng. Mà lo thì cũng chẳng làm gì được.
Ngày con tôi sinh ra, tôi vào trong phòng sanh. Người nữ hộ sinh vừa đỡ con tôi ra, tôi đã đón ngay lấy, lật xem từng chút một, vạch cả hậu môn ra xem. Mẹ cháu đang nằm trên bàn sanh, còn chưa lấy nhau ra đã giục tôi kiểm tra con, xem có bị dị tật gì không. Thì ra, việc tôi không nói ra những lo lắng của mình là thừa. Giống như tôi, vợ tôi cũng âm thầm lo lắng suốt mấy tháng trời.
Một năm đầu tiên, tôi luôn để ý cái đầu của con, xem nó phát triển có tốt không. Người ta bảo bệnh nghề nghiệp cũng đúng. Lo lắng lắm chứ. Rất may là con tôi phát triển bình thường. Đứa con sau thì chúng tôi có chuẩn bị, tôi không tiếp xúc trực tiếp với tia X trước khi có thai 6 tháng. Tuy nhiên, cũng vẫn không thể hoàn toàn yên tâm được. Khi nhận được con, tôi vẫn phải kiểm tra kĩ lưỡng.
Bây giờ các con đã lớn, học hành, phát triển bình thường. Nhìn những trường hợp bệnh tật hàng ngày gặp phải, đọc được những dòng viết của bạn Hoàng Lê Vũ, tôi thấy mình quả là may mắn.
Theo TS. BS Võ Xuân Sơn.