Bệnh nhân đến khám, liệt hai chân, yếu hai tay, tê từ bụng xuống, còn tự tiêu tiểu được. Đó là một trường hợp u nội tủy toàn tủy, khối u nằm bên trong tủy sống, kéo dài từ chỗ tiếp giáp với não, cho đến đoạn cuối của tủy sống.
Đây là lần thứ 3 tôi gặp một ca như thế này. Lần đầu tiên cách đây 17 năm. Chính vì ca bệnh đó mà tôi quyết định không đi sâu vào lĩnh vực sọ não, tập trung cho phẫu thuật cột sống. Ở một khoa Ngoại Thần kinh, quyết định từ bỏ phẫu thuật não có nghĩa là chấm dứt mọi hi vọng vươn lên làm sếp, chưa kể khi đó, phẫu thuật cột sống chưa được coi ngang hàng với phẫu thuật não.
Lần đầu, hiểu biết của tôi còn ít, không thể làm gì cho bệnh nhân được. Tôi không cảm thấy khó khăn lắm khi nói với bệnh nhân, rằng tôi không thể làm gì cho họ. May mắn đến với tôi khi ngay sau đó, bệnh viện được trang bị máy chụp MRI, kính hiển vi phẫu thuật, và tôi lại tìm được thầy dậy mổ loại u nội tủy này.
U nội tủy là một bệnh lí rất hiếm gặp. Đa số các phẫu thuật viên không có nhiều cơ hội gặp chúng, phần lớn chỉ mổ vài ca trong sự nghiệp của mình. Đa số các báo cáo chỉ trình bày vài ca mổ, rất hiếm những báo cáo cho thấy một phẫu thuật viên mổ được trên 30 ca.
Một số người mổ nhiều ca thuộc loại bệnh lí này gắn với những phát minh vĩ đại, Greenwood với phát minh ra máy đốt lưỡng cực, Malis với việc cải tiến máy đốt lưỡng cực, và sau này là Epstein, với việc sử dụng dao hút siêu âm CUSA để lấy u.
Tất cả những nhân vật kể trên đều đã không còn mổ. Greenwood với hơn 60 ca đã mất, Malis với gần 1000 ca mổ, nếu còn sống đã hơn 100 tuổi, Epstein đã ngưng mổ từ hơn 5 năm nay sau một tai nạn té xe đạp. Trong số những người còn mổ hiện nay, không biết có đến 10 người có số ca mổ nhiều hơn 30 không nữa.
Nói dông dài thực ra cũng chỉ để khoe. Xét trên phương diện nghề nghiệp, tôi là một phẫu thuật viên vô cùng may mắn, vì đã có hàng trăm ca mổ loại này. Thậm chí có khi tôi mổ 2 ca u nội tủy trong cùng một ngày. Dù rằng tôi “may mắn” có được số lượng mổ khổng lồ, nhưng hôm nay tôi mới gặp ca u nội tủy toàn tủy lần thứ 3 trong đời mình.
10 năm trước, tôi gặp ca thứ hai. Tôi quyết định mổ. Ca mổ thất bại. Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ từng chi tiết của cuộc mổ cũng như diễn biến về sau. Ca mổ đó đã xoay chuyển cuộc đời tôi. Tôi nhận thấy rằng, muốn làm được một điều gì lớn lao, phải có một môi trường thích hợp. Và tôi đã làm nhiều việc để có một môi trường như vậy.
Để có thể mổ một ca u nội tủy toàn tủy, cuộc mổ có thể phải kéo dài tới trên 15 giờ, thậm chí có thể tới hơn 30 giờ với những phẫu thuật viên có thói quen thao tác chậm rãi. Ít nhất phải có 2 ê kíp phẫu thuật viên và cũng bấy nhiêu ê kíp gây mê. Phụ dụng cụ thì có thể phải 3 hoặc 4 kíp thay nhau. Hàng loạt trang thiết bị đắt tiền được sử dụng. Đặc biệt, phải có một lực lượng hồi sức cực kì tinh nhuệ.
Vậy nhưng, kết quả thì thật là khiêm tốn. Tỉ lệ tử vong rất cao, tỉ lệ tàn phế cũng rất cao. Chỉ có một điều an ủi, nếu không mổ thì chắc chắn bệnh nhân sẽ tàn phế và tử vong. Trong hoàn cảnh không còn gì để mất, phẫu thuật viên và cả người bệnh sẽ dễ quyết định hơn.
Gần 8 năm đi tìm “môi trường thích hợp”, hôm nay, khi gặp ca u nội tủy toàn tủy lần thứ ba, tôi phải ngậm ngùi, rằng tôi không thể làm gì được. Bệnh nhân người Campuchia, không hiểu tiếng Việt, phiên dịch không dám dịch ngay, nhưng cô ấy cảm nhận được. Nhìn cặp mắt đỏ hoe, hai hàng nước mắt lăn dài, vẻ mặt ngơ ngác khi cô ấy được đưa ra ngoài, một cái gì đó đổ vỡ trong tôi.
Tôi vẫn mổ những ca u nội tủy ngắn, kể cả ở hành tủy, là những ca rất khó. Nhưng muốn làm được điều gì lớn lao hơn, sự cố gắng của một nhóm bác sĩ và nhân viên là không đủ. 40 năm rồi, khi nào thì chúng ta có được một môi trường y khoa như Thái lan, Singapore, Malaysia…?
Hai lần trước, những ca u nội tủy toàn tủy đã xoay chuyển cuộc đời tôi. Không biết ca bệnh lần này sẽ tác động như thế nào? Hay nó xác nhận cái ranh giới mà tôi, một bác sĩ Việt nam, không thể vượt qua?
Theo : TS. BS Võ Xuân Sơn