Có người bạn hỏi tôi về một kĩ thuật mới dùng để điều trị cho một khuyết tật bẩm sinh mà con họ mắc phải. Người bạn cho biết, hiện nay tại Việt nam có một nơi bán các thiết bị cấy ghép để điều trị bệnh lí này, và người bán tập trung vài ca lại rồi mời một bác sĩ nước ngoài qua mổ để cấy ghép các dụng cụ đó cho người bệnh Việt nam.
Có người bạn hỏi tôi về một kĩ thuật mới dùng để điều trị cho một khuyết tật bẩm sinh mà con họ mắc phải. Người bạn cho biết, hiện nay tại Việt nam có một nơi bán các thiết bị cấy ghép để điều trị bệnh lí này, và người bán tập trung vài ca lại rồi mời một bác sĩ nước ngoài qua mổ để cấy ghép các dụng cụ đó cho người bệnh Việt nam.
Tôi hỏi thăm một vài bác sĩ chuyên khoa để tìm hiểu về vấn đề đó mới biết rằng tất cả những thông tin người bạn cung cấp là thật. Hơn nữa, các bác sĩ nước ngoài qua mổ là các bác sĩ từ Philipin hoặc Malaysia. Ngoài ra, bệnh nhân nào muốn tốt hơn nữa thì phải qua Singapore mổ. Như vậy thì các bác sĩ Việt nam đứng ở đâu trên bản đồ thế giới? Đứng ở đâu trên bản đồ khu vực?
Hỏi kĩ hơn thì được biết đây là một kĩ thuật không khó lắm, chỉ có một chút khó khăn là thiết bị hơi đắt tiền, và ngoài ra, sau mổ lại phải tập luyện một thời gian lâu với những kĩ thuật và chuyên gia chuyên biệt. Chính vì vậy mà các bác sĩ Việt nam không “mặn mà” lắm với kĩ thuật này. Và không phải chỉ có các bác sĩ, các nhà quản lí cũng vậy, không có động thái nào hỗ trợ để đưa kĩ thuật này vào Việt nam, do các bác sĩ Việt nam thực hiện.
Nhớ lại ngày nào, khi muốn đưa nội soi cột sống vào thực hiện, ai cũng nói ủng hộ, nhưng nhiều năm trời vẫn chẳng đến đâu. Cấp quản lí không những không giúp đỡ, tạo điều kiện mà còn gây rất nhiều trở ngại, khó khăn. Lúc đó, tôi chỉ là một anh bác sĩ thường, không chức vụ, không có cái “thẻ đỏ” lận lưng, đồng nghĩa với việc không có tương lai làm quan, nên việc khó khăn xảy ra với tôi cũng là điều dễ hiểu. Ngay cả khi muốn triển khai một cái gì mới cùng với các bậc đàn anh có chức, có quyền, có thẻ… cũng phải tự bỏ tiền túi ra để trang bị, sau đó thì phải thậm thụt, giấu giếm lúc ban đầu (giống như là xé rào), rồi lại phải lựa lời, phải mánh lới mới được công nhận, được chính thức cho phép. Với những kĩ thuật mới không đòi hỏi phải chi nhiều tiền, cá nhân các bác sĩ có thể bỏ tiền túi ra để làm lúc đầu thì có thể làm như vậy được, nhưng với nội soi cột sống, mua thiết bị hết vài tỉ đồng thì vô phương. Trong thời gian trước đây, tôi luôn có một cảm giác mình phải nịnh bợ, xin xỏ, con người mình luôn luôn thể hiện sự hèn hạ để có được sự hỗ trợ của cấp trên mỗi khi muốn triển khai một kĩ thuật mới. Khi kĩ thuật mới được triển khai thành công, các bác sĩ được nổi tiếng hơn, được bệnh nhân tin tưởng hơn, yêu mến hơn, người bệnh được hưởng những thành quả của những tiến bộ khoa học, bệnh viện được danh tiếng, lãnh đạo bệnh viện được tiếng là tài giỏi… Nhưng đối với toàn bộ hệ thống quản lí, họ chỉ thấy các bác sĩ được nổi tiếng, được yêu mến, được tin tưởng. Họ cho rằng như vậy thì phòng mạch của bác sĩ sẽ đông hơn, bác sĩ có nhiều phong bì hơn, phong bì cũng sẽ dày hơn… và họ cho rằng đó chính là động lực của các bác sĩ khi muốn triển khai một kĩ thuật mới. Và như vậy thì việc các bác sĩ phải xin xỏ, nịnh bợ để được triển khai kĩ thuật mới là đương nhiên, các cấp quản lí không có trách nhiệm phải tạo điều kiện, phải hỗ trợ cho các bác sĩ.
Nếu đã trải qua những chuyện này thì mới có thể thông cảm cho các bác sĩ đã không “mặn mà” với kĩ thuật mới, để cho các bác sĩ nước ngoài vào “đá” trên sân của mình. Đúng thôi, nếu cái sĩ diện của cá nhân mình mà không có khả năng bảo tồn thì sức mấy mà có thể nói đến chuyện bảo vệ sĩ diện quốc gia. Sân này ai muốn đá thì đá chứ phải luồn cúi, nịnh bợ để mà được “đá” trên sân nhà thì ai mà thèm “đá”. Cứ như vậy mà không ai có thể tìm thấy chúng ta trên bản đồ thế giối, bản đồ khu vực. Và các nhà quản lí, các nhà lãnh đạo cứ ung dung mà ngồi chờ, khi có ai đó được giải Fields hay giải Nobel gì đó thì chúng ta mặc sức mà tôn vinh, mua nhà, sắm xe cho họ. Còn đối với những bác sĩ vô danh tiểu tốt thì hỗ trợ, khuyến khích làm gì cho mệt xác.
Theo : T.D