Vụ tấn công các điều dưỡng, bác sĩ tại bệnh viện Bạch Mai vừa qua hoàn toàn không có gì có thể biện bạch được. Từ trước đến nay, người ta lấy cớ là do nhân viên y tế thế này thế khác mà biện bạch cho việc tấn công nhân viên y tế, nhưng trường hợp này thì không có gì có thể biện bạch được.
Cách đây hơn 20 năm trở về trước, phòng cấp cứu của bệnh viện Chợ rẫy có lúc bị những nhóm xã hội đen dòm ngó, rình rập. Cứ mỗi lần có bệnh nhân cấp cứu mà không có người nhà đi theo, cả một đám xã hội đen ùa vào lục lọi, trấn lột. Nhiều nhân viên y tế ngăn cản đã bị chúng đe dọa hành hung, hoặc đập phá tài sản.
Tôi còn nhớ BS Nghĩa, khi ấy là trưởng khoa Cấp cứu, bị đập nát xe gắn máy. Bản thân tôi cũng đã bị chúng đe dọa, rằng nếu tôi bước chân ra khỏi cổng bệnh viện chúng sẽ giết tôi. Rất may là khi tôi bước ra thì có mấy anh ở quán cà phê trước cửa “xử” chúng trước. Nhiều người dân xung quanh bệnh viện, cả những người buôn bán cũng ủng hộ chúng tôi ngay khi có thể, mặc dù họ luôn bị chúng đe dọa.
Một câu chuyện tôi được nghe nhiều đàn anh kể lại, không biết có đúng không. Trước đó, khi lũ xã hội đen hoành hành quá mức, đội trưởng đội bảo vệ của bệnh viện đã kiên quyết phản ứng. Một đêm kia, khi xe xích lô đưa nạn nhân tai nạn giao thông không có người nhà vào, ông đóng cửa chính và đóng luôn cả cửa nhỏ, không cho lũ xã hội đen vào. Chúng chửi bới, đe dọa, cầm đá ném. Tên cầm đầu bạch ngực ra thách ông ấy bắn. Và đòm. Ông đi tù.
Khi tôi về làm một thời gian, giám đốc mới lên. Việc đầu tiên giám đốc mới làm là chấn chỉnh khu vực nhà xác và cổng cấp cứu. Giám đốc mới khi ấy là một đàn anh rất gần gũi với chúng tôi nên chúng tôi được biết rất nhiều chuyện xung quanh nỗ lực vãn hồi trật tự. Phải nói là cả một sự kiên quyết, với bọn xã hội đen ngoài xã hội, với lực lượng cảnh sát địa phương, với những nhân viên cấp thấp và ngay cả một số bác sĩ của bệnh viện.
Người đội trưởng năm xưa ra tù và về làm đội trưởng đội bảo vệ trở lại (tôi không dám chắc lắm về chuyện đi tù và ra tù của ông). Kể từ đó, trật tự vãn hồi. Ngay cả những nhóm thương binh thường hay quậy phá, xin đểu cũng không còn hung hăng nữa. Chỉ còn lại nhân viên y tế và bệnh nhân. Điều dưỡng, bác sĩ được thoải mái thực hiện công việc của mình.
Tình hình yên ổn được hơn chục năm thì mối quan hệ thầy thuốc – bệnh nhân và thân nhân bệnh nhân thay đổi. Dư luận chĩa mũi dùi vào y tế. Những biến chứng, những sai sót chuyên môn được diễn giải theo những cách xấu xa nhất. Truyền thống tôn trọng thầy thuốc bị phá vỡ, dân trí không phát triển kịp với tư duy thị trường, mối quan hệ cung cấp và thụ hưởng dịch vụ chưa được xây dựng. Mối quan hệ thầy thuốc – bệnh nhân rơi vào trạng thái “không trọng lực”.
Thầy thuốc không biết làm như thế nào để được an toàn, co lại, tâm lí chỉ làm gì an toàn chiếm lĩnh. Sự hi sinh dần trở nên vô nghĩa vì dù gì thì cũng bị dư luận diễn giải theo hướng xấu, sự cống hiến theo đó ít dần. Các thầy thuốc suy nghĩ nhiều hơn đến bản thân, đến bất công xã hội. Tâm lí phòng thủ khá phổ biến, ngay cả việc kiếm tiền cũng có mục đích phòng thủ trong đó.
Bệnh nhân và thân nhân thì lại cho rằng các thầy thuốc quá xấu xa, vô cảm. Việc dư luận chĩa mũi dùi vào ngành y tế vẽ lên một bức tranh rất tiêu cực về nhân viên y tế, làm cho bệnh nhân và thân nhân luôn trong tư thế muốn gây gổ. Khi có chuyện, dư luận không đứng về phía luật pháp, lại còn cổ súy cho những hành vi manh động với thầy thuốc, điển hình như vụ Năm Căn. Từ đó, nhân viên y tế trở thành mục tiêu tấn công của một bộ phận công dân hung hãn.
Đã có lúc tôi mong mỏi có một ông đội trưởng bảo vệ thứ hai, và phát súng không phải bắn vào những người đang hành hung đồng nghiệp của tôi, mà bắn ngay vào những cái loa tuyên truyền đang không biết vô tình hay cố ý mà vùi dập nhân viên y tế, kích động những cái đầu nóng chỉ biết đòi hỏi cho mình. Thậm chí có lúc tôi đã nghĩ rằng tôi sẽ đảm đương vai trò của ông đội trưởng đội bảo vệ ấy. Cũng may là xã hội ta không sẵn súng.
Quay lại câu chuyện hành hung nhân viên y tế tại bệnh viện Bạch Mai vừa xảy ra. Không hiểu sao mà không ai nói đến nhân thân của kẻ hành hung, còn có ý cho rằng hắn có biểu hiện tâm thần. Tôi đề nghị nhất định phải khởi tố vụ án. Người hành hung nhân viên y tế phải được giám định tâm thần, và nếu có bệnh tâm thần thì phải bắt buộc điều trị nội trú để ngăn ngừa những hành vi gây nguy hại cho xã hội nói chung và cho nhân viên y tế nói riêng.
Nếu không có bệnh tâm thần, phải xử lí nghiêm với khung hình phạt cao nhất của tội chống người thi hành công vụ (chứ không phải tội gây rối), không thể dựa vào mức độ thương tật để miễn tố hoặc giảm nhẹ hình phạt. Nhân viên y tế chúng tôi đòi hỏi luật pháp phải một lần nghiêm minh, để ngăn chặn nạn dịch hành hung nhân viên y tế đang ngày càng phát triển. Sự kiên nhẫn và niềm tin của chúng tôi vào khả năng vãn hồi trật tự của chính quyền không thể là vô hạn.
Phải có một phát đạn mở đầu, để duy trì trật tự kỉ cương, để vực dậy đạo đức xã hội, để cho các thầy thuốc được quyền hành nghề với lương tâm trong sáng mà không phải sợ hãi, không phải lo lắng cho sự an nguy của cá nhân mình, của con cái mình, của gia đình mình.
Người viết : TS. BS Võ Xuân Sơn