Một trong các bài toán khó và sự bất bình đẳng giữa y tế công và y tế tư nhân hiện nay là vấn đề nhân sự.
Trong khi nhiều trường hợp phải chạy chọt, đút lót để vào được các cơ sở y tế công, rồi than vãn khi nhận đồng lương ít ỏi, thì hàng loạt cơ sở y tế tư nhân điêu đứng vì không có đủ nhân sự để hoạt động, mặc dù họ trải thảm đỏ để mời nhân viên y tế về làm việc.
Ở các cơ sở y tế tư nhân, gần như yếu tố đầu tiên để thu hút nhân lực là thu nhập. Ngoài thu nhập thì còn phải có môi trường, điều kiện làm việc phù hợp. Và đối với một bộ phận trong số những nhân viên y tế làm được việc, còn phải thỏa mãn được cái tôi của họ.
Tuy vậy, cũng khó mà giữ chân nhân viên. Các chính sách đãi ngộ, huấn luyện… không có tác dụng giữ chân nhân viên, vì hàng loạt các cơ sở khác luôn tìm cách săn những nhân viên đã được huấn luyện với mức đãi ngộ cao hơn, trong khi bản thân những nhân viên đó không có ý thức về sự gắn bó với cơ sở mà mình phục vụ.
Có rất nhiều lí do để một nhân viên y tế giỏi xin nghỉ việc: Cha, mẹ vợ, con ốm, đau, bệnh… làm việc thấy không thoải mái, lương thấp, lương không tương xứng với mong muốn, bác sĩ mới về được trọng dụng hơn, người quản lí nói nghe chói tai quá… Đặc biệt, không hiếm cơ sở y tế phải đối mặt với việc nhân viên xin nghỉ để đi chơi vài tháng, nếu không cho thì xin nghỉ luôn. Thỉnh thoảng lại có bác sĩ nghỉ việc để chuyển qua bán thực phẩm chức năng.
Đối với những nhân viên như vậy, việc xin việc của họ ở cơ sở mới quá dễ dàng, nên họ không khó khăn gì khi quyết định nghỉ việc ở một cơ sở nào đó. Có cơ sở tìm cách giữ chân họ bằng tiền. Và xảy ra một cuộc chạy đua tung tiền giữa các cơ sở. Để bù đắp cho việc chạy đua, các cơ sở y tế phải làm các “thủ thuật” kiếm tiền. Đến lượt những nhân viên đó ra đi, vì cơ sở tỏ ra là vô đạo đức.
Trên thực tế, vẫn có một số nhân viên y tế giỏi, làm được việc, chuyên tâm và có trách nhiệm với công việc, có trách nhiệm với sự tồn vong của cơ sở y tế, sẵn sàng chung tay với cơ sở y tế để vượt qua khó khăn, hành xử như những người chủ thực thụ. Đây là những nhân tố cực kì quí hiếm, quyết định hướng đi, thậm chí là sự thành bại của một cơ sở y tế.
Tiếc rằng, thực tế ở Việt nam hiện nay, rất hiếm có những nhân viên y tế như vậy, kể cả các cơ sở y tế ngàn tỉ cũng như các cơ sở y tế do đầu tư nước ngoài xây dựng. Khác với các lĩnh vực khác, nhân sự y tế của chúng ta có thể dễ dàng tiếp cận với khoa học đỉnh cao của thế giới về mặt chuyên môn, nhưng lại rất ít người có được một thái độ làm việc phù hợp với một xã hội phát triển. Phần đông có tư tưởng an phận, nên y tế công vẫn là nơi trú ngụ tuyệt vời, cho dù phải bươn chải, cho dù phải gánh vác nhiều nghịch lí.
Nếu một cơ sở y tế tư nhân sở hữu được nhiều những nhân viên giỏi, hành xử có trách nhiệm như một người chủ, cơ sở đó có cơ hội vươn lên, có cơ hội đãi ngộ trở lại, không để cho những người làm việc với tinh thần trách nhiệm cao bị thiệt thòi, cả về vật chất lẫn tinh thần.
Ngược lại, nếu một cơ sở y tế không có được những nhân viên có trách nhiệm với sự tồn vong của cơ sở, thì bắt buộc phải chiều chuộng những yêu cầu ngày càng đa dạng của những nhân viên có cái tôi quá lớn. Những cơ sở đó chỉ có thể hoạt động chụp giựt, được ngày nào hay ngày đó, không thể nhắm đến cái gì lâu dài, vì nguy cơ sụp đổ luôn thường trực.
Trong đa số trường hợp, trước khi có được một đội ngũ nhân viên giỏi và có khả năng hành xử như một người chủ, thì những nhân viên y tế và người chủ cơ sở đã bị đẩy về hai hướng ngược nhau, do một bên luôn đòi hỏi quyền lợi, và một bên phải cố gắng để mà tồn tại. Không loại trừ một vài chủ cơ sở chỉ quan tâm đến lợi nhuận, coi nhân viên như những công cụ kiếm tiền, tuy nhiên, số này rất ít, không đại diện cho phần lớn chủ cơ sở y tế tư nhân hiện nay.
Người viết : TS. BS Võ Xuân Sơn