Khoảng đầu tháng 2 năm 1983, tôi bay từ Hà nội vào Sài gòn trên chuyến bay của Hàng không Việt nam.
Vì lúc đó có Festival Việt – Xô, nên máy bay được dùng để chở các bạn Liên Xô. Khi tôi ra số 1 Quang Trung (Hà Nội) thì mới được biết là sẽ bay từ Gia Lâm. Thế là chúng tôi bay trên một máy bay quân sự, có 2 băng ghế dọc hai bên. Những khách không có chỗ thì ngồi luôn xuống sàn máy bay hoặc đứng lom khom.
Bay mất hơn 2 giờ thì tới Sài gòn. Tân Sơn Nhất không cho hạ cánh. Nhiều người mắc tiểu từ lâu, bấy giờ mới kêu. Mà cái “dzụ” mắc tiểu này nó chịu ảnh hưởng của hội chứng đám đông, lây lan rất nhanh khi có ai đó nhắc đến.
Trên máy bay có WC, nhưng nhân viên an ninh không cho ai vô. Mọi người van nài. Từ ông già bà cả đến thanh niên trai tráng. Anh an ninh mặt lạnh như tiền, dứt khoát không là không. Mấy ông già lấy túi nôn ra đái. Hồi đó túi nôn làm bằng giấy bao xi măng tráng sáp, bị xì tùm lum. Cả máy bay bốc mùi khai nồng nặc.
Cái mùi khai ấy lại thúc đẩy mắc tiểu dữ dội hơn. Máy bay thì cứ bay vòng vòng, thời gian kéo dài như bất tận. Một ông trung niên chịu không được, lách người qua anh an ninh để mở cửa WC. Bằng một thế võ, anh an ninh đánh ông ta té văng ra xa, rút súng lên đạn rốp rốp. Khi ông kia lồm cồm ngồi dậy thì quần đã ướt nhẹp. Ông ấy đứng lên một chút thì nước chảy dọc theo quần xuống sàn máy bay. Mặc dù có vẻ mắc cỡ nhưng vẻ mặt ông ấy lúc đó lại giãn ra, không còn nhăn nhó như trước đó.
Khổ nhất là một bà cụ mặc quần chân què đen. Bà xuống cuối máy bay, một bà khác cầm túi, bà kia đứng thẳng, vén quần lên, đái. Bà cầm túi kêu lên oai oái, rằng cái con này nó đái cả vào mặt tao… Lần đầu tiên tôi được nhìn thấy kiểu đái đứng của phụ nữ, khác hẳn với kiểu của chị Út Tịch.
Còn khoảng hơn chục người không dám đái vào túi, trong đó có tôi. Những người này có đặc điểm chung, là hai tay đút vào túi quần, bóp chặt vùng hạ bộ, không ai dám ngồi, cứ đứng lên đi đi lại lại, với hai đầu gối túm vào nhau. Máy bay thì thấp, nên cứ phải lom khom.
Cuối cùng thì máy bay cũng hạ cánh. Nhưng lại không mở cửa ngay. Càng chờ càng khó chịu. Một anh không chịu nổi, cũng không kịp lôi “vũ khí” ra, bắn luôn vào quần. Thế rồi cửa máy bay cũng xịch mở. Không phải cửa như các máy bay dân dụng, cửa mở ở bụng máy bay, và cũng là cầu thang luôn, có vài bước là xuống nền sân bay thôi, vì máy bay thấp chủm.
Các cô áo dài xếp hàng hai bên cửa máy bay, tay cầm hoa, tươi cười. Thì ra là họ nhầm máy bay của chúng tôi với cái chở khách Liên Xô, nên không cho hạ cánh để chuẩn bị dàn tiếp đón. Hơn chục vị khách đáng kính vừa bước xuống cửa máy bay xong, tiến ngay về phía các cô áo dài. Các cô tươi cười đưa bông ra, có vẻ như muốn tặng bông.
Nhưng thật là phũ phàng, các vị khách mà các cô giang nắng đứng chờ và hồi hộp mong đợi, đã gạt hoa qua một bên, gạt cả những tà áo dài bị gió thổi phất phới cuốn vào chân các anh. Các anh xông đến, lách qua người các cô, bước ra phía sau các cô không đến 1 mét, rồi đứng lại. Giữa sân bay, giữa cái nắng, giữa cái gió, các anh vung tay, móc vũ khí ra, và bắn.
Do không quen với việc chen lấn, tôi bước ra khỏi máy bay hơi chậm. Khi đó, hai bên cửa máy bay có tới 4 dàn chào. Hai hàng các cô áo dài, tay cầm hoa, mặt tươi cười, ngay phía sau các cô là hai hàng các anh đang cầm vũ khí bắn. Gió Sài gòn thổi bạt đạn của các anh bắn tung tóe, văng cả vào các tà áo dài đang phất phới, phất phới.
Tôi chạy vội vào khu vực nhà ga. Vì hai tay xách đồ nên không bóp được, nên hai đầu gối phải túm vào nhau, vừa lom khom chạy vừa nhón gót lên. Lúc đó, ba mẹ và các em tôi đã chờ ngay tại cửa vào.
Mấy năm trời, ba mẹ tôi già đi, các em lớn hẳn. Mẹ tôi mếu máo, ba tôi tươi cười, các em í ới, mấy cô chú bạn của ba mẹ tôi cũng ra đón… Không kịp chào hỏi, tôi gạt phăng mọi người ra. Với vẻ mặt cực kì nghiêm trọng, tôi bước ngay đến WC. Thật là may, tôi giữ được cái quần khô cho đến phút chót.
Người viết : TS. BS Võ Xuân Sơn