Khủng hoảng truyền thông y tế

https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10152131489037294&set=a.10150419894902294.337709.596057293&type=1

Bất cứ một bác sĩ nào đọc câu chuyện trên đây cũng đều cho rằng người nhà bệnh nhân này quá đáng. Khi đọc đến đoạn chót, một cảm giác chua xót cho nghề trào dâng. Cố gắng học, cố gắng làm, cố gắng cứu bệnh nhân… Bù lại, được nghe câu: “Móa…mún chửi thề…”. Đau quá. Có cái gì đó chặn ở họng, ngăn một câu chửi khỏi buột ra từ miệng “mẹ hiền”.

Trong khi đó, gần như người bệnh nào cũng sẽ thông cảm ngay với người nhà này, và lên án người bác sĩ, lên án cô nhân viên đếm tiền, lên án bệnh viện… Ai cũng cho mình là đúng, và người bệnh, sẵn sàng chửi khi không vừa ý. Còn thầy thuốc, cũng muốn chửi lắm, nhưng lỡ mang cái danh trí thức, làm sao mà như cái cô người mẫu gì đó được. Đành ngậm đắng mà cười buồn.

Người bệnh nào cũng cho mình là trung tâm của vũ trụ, người nhà nào cũng cho người nhà mình là người bệnh nặng nhất, trong khi xung quanh ông bác sĩ có tới hàng trăm cái rốn của vũ trụ, hàng trăm người bệnh nặng cỡ kỉ lục thế giới. Một hay vài ông bác sĩ phải chia sẻ ra cho hàng trăm cái rốn của vũ trụ ấy, nhưng không có cái rốn nào chấp nhận sự hiện diện của một cái rốn khác cả.

Một người nhà đòi giải thích mới lại từ đầu một lần thứ 2, thứ 3, đồng nghĩa với việc bác sĩ phải bớt thời gian cho một cái rốn khác, không thể giải thích cặn kẽ cho cái rốn thứ 3 và bỏ mất một vài triệu chứng của cái rốn thứ tư. Tại sao người nhà không trao đổi với nhau? Và chỉ yêu cầu bác sĩ giải thích thêm những điều chưa rõ? Ngay cả người nhà với nhau mà cũng không tin nhau, thì làm sao bác sĩ có thể chiều lòng? Bệnh nhân có 10 người con, 5 lần giải thích, cũng bấy nhiêu câu, cũng bấy nhiêu lời. Đã thế lại còn thò ra một ông chú, bà cô, có khi là ông tổ trưởng dân phố… người nào cũng sẵn sàng kích động, chửi thề.

Rồi còn cái cô đếm tiền. Không biết cái người tự xưng “Có tiền mà éo có quyền thì cũng như ko…” ấy có biết gì về nỗi khổ của người đếm tiền không? Có tiền nhiều thì có hiểu rằng nếu lẫn 1 tờ 500.000 đồng giả hay rách vào đó thì gia đình cô thu ngân sẽ phải nghỉ ăn 1 tuần không? Làm sao cô ấy biết là người nhà cái anh “có tiền mà éo có quyền” ấy đang khẩn cấp trong khi cả chục người xung quanh cô đều cho là mình đang khẩn cấp.

Trước khi đòi hỏi ai cái gì, hãy đặt mình vào vị trí của người ta. Bác sĩ, nhân viên y tế là con người, con người có học, có thể họ không có tiền, nhưng chắc chắn giá trị con người của họ không thua kém kẻ “có tiền mà không có quyền” kia đâu. Hãy vận dụng hết sự nhanh nhạy trong việc kiếm tiền để có tiền ra mà hiểu rằng họ đang phục vụ cho người nhà mình, họ đang cứu mạng sống cho người thân của mình, để mà đừng chửi “Bà mợ nó”. Và trên hết, hãy hiểu rằng có cả trăm cái rốn của vũ trụ khác đang nằm bên cạnh người nhà mình, đang vây quanh người bác sĩ.

Cái dở của ngành y là chỗ đó, không làm tốt công tác truyền thông, cho người ta hiểu được những điều trên. Thế nhưng, nếu truyền thông đúng thì phải thế nào? Phải bảo là các anh bớt ích kỉ đi, đừng noi gương các bác lãnh đạo, coi mình là cái rốn của vũ trụ, có cả một hệ thống chăm sóc riêng, lại sẵn tiền vơ vét của dân, thích thì bay ra nước ngoài à?

Hay phải giải thích về cái cơ chế tuyển lãnh đạo chỉ chăm chăm vào việc huấn luyện chủ nghĩa Mác Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh mà quên hẳn việc thiết lập hệ thống kế toán sao có thể thanh toán bằng thẻ, có thể phân biệt khẩn với không khẩn? Hay phải truyền thông rằng hệ thống quản lí của chúng ta trung thành với định hướng XHCN, cho nên bác sĩ cứ phải giải thích về tiền, cứ phải nói: “Xùy tiền ra thì tôi chữa”, hay “đóng tiền rồi thì mới làm”…

Có bạn nói cá với thớt. Tôi thì lại thấy hình ảnh búa và đe thích hợp hơn. Y tế chúng ta cứ trên đe, dưới búa, không biết lúc nào thì bị đè bẹp. Có vẻ như lối thoát cho chuyện này còn ở đâu đó xa lắc.

Người viết : TS. BS Võ Xuân Sơn