Qua hội nghị lần này, tôi lờ mờ cảm nhận được, tại sao khoảng cách giữa chúng ta và các nước khác ngày càng xa.
Tôi đến Thái lan lần này để tham dự hội nghị của AO. Hội nghị bàn về 2 chủ đề chính, trong đó có chủ đề: làm sao thuyết phục bệnh viện hoặc những người có quyền quyết định cho phép áp dụng các kĩ thuật mới.
Tâm sự của ông Chủ tịch AO thế giới, người Thái Lan, ám ảnh tôi rất nhiều. Ông ấy làm 20 năm trong bệnh viện nhà nước (bệnh viện quân đội) của Thái lan, sau đó ra làm việc tư nhân, đến nay đã 15 năm. Ông ấy kể về việc ông ấy mất rất nhiều thời gian, nhiều năm trời để thuyết phục cấp trên bỏ sử dụng một loại dụng cụ cố định chi gây nhiều biến chứng, để sử dụng loại khác.
Ông ấy đã tham gia AO, và đã vượt qua hàng ngàn ứng viên từ các nước phát triển nhất như Mỹ, Nhật, Pháp, Đức… để làm Chủ tịch cái tổ chức vốn được sinh ra ở Thụy sĩ. Và bây giờ, ông hiểu rằng cái khó nhất trong việc áp dụng một kĩ thuật mới, là làm sao thuyết phục được những người có quyền quyết định cho phép thực hiện.
Gần chục vị đã từng là Chủ tịch AO đăng đàn phát biểu, cùng nhiều ý kiến của các bác sĩ khác. Họ chia ra rất rõ ràng, ở bệnh viện công thì sao, bệnh viện tư thì thế nào. Nói chung, các bác sĩ cần phải thuyết phục, cần phải trưng bày những lợi ích về khoa học ra cho cấp lãnh đạo, thậm chí phải gây áp lực…
Nói thật là tôi không chú ý nhiều lắm đến những bàn luận này, vì những điều đó không phù hợp với Việt nam cho lắm.
Ở Việt nam, những nhà lãnh đạo hệ thống y tế công thường không thực sự quan tâm nhiều đến hiệu quả khoa học, ngay cả các bác sĩ thì cũng không nhiều người quan tâm đến hiệu quả khoa học thật sự. Các nghiên cứu làm ra ít thuyết phục được ai, cho dù các con số thường rất đẹp. Đối với tư nhân, ngoại trừ một số cơ sở, đa phần cái mà giới chủ quan tâm không phải là hiệu quả khoa học, mà là hiệu quả kinh tế.
Nói ra điều này, tôi biết sẽ bị ném đá từ các đồng nghiệp. Vấn đề mấu chốt là không có dân chủ ở các cơ sở y tế công, từ đó, rất khó để cho một bác sĩ có thể thuyết phục được cấp trên cho phép áp dụng một kĩ thuật mới, nếu bản thân họ không phải là sếp. Cuộc chiến để thành sếp sẽ làm giảm khả năng sáng tạo, giảm đam mê khoa học, động lực để triển khai một kĩ thuật mới. Cuộc chiến giữ ghế cùng với những lợi ích được hưởng từ kĩ thuật đang áp dụng cũng không cho phép sếp dễ dàng đồng ý cho một thuộc cấp nào đó áp dụng một kĩ thuật mới, nếu bản thân sếp không có lợi lộc hoặc sự “an toàn”.
Ở hướng ngược lại, sự công chức hóa nhân viên y tế, sự lãnh đạo tập trung tuyệt đối đã làm triệt tiêu sự dấn thân, triệt tiêu mong muốn thực hiện một kĩ thuật mới của các bác sĩ không phải là sếp. Ở một số cơ sở y tế có khả năng triển khai các kĩ thuật mới lại có thể vấp phải một vấn đề khác, đó là sự biến dạng của thị trường. Một hãng dụng cụ y tế thuộc loại trong sạch, than phiền với tôi, rằng có bác sĩ nói không muốn thực hiện kĩ thuật mới, vì không có lợi lộc gì.
Đối với y tế tư nhân, tình hình cũng không sáng sủa hơn. Do đặc điểm của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, các cơ sở y tế công có ưu thế tuyệt đối về nhân sự chuyên môn. Chính sách xã hội hóa y tế lại càng làm cho y tế tư nhân rơi vào khó khăn trong cuộc cạnh tranh không cân sức với y tế công. Sự phân biệt đối xử của xã hội đối với y tế tư nhân cũng làm cho quyết tâm áp dụng các kĩ thuật mới của y tế tư nhân giảm nhiều, mặc dù ai cũng hiểu rằng đó mới có thể là thế mạnh của y tế tư nhân.
Việc áp dụng một kĩ thuật mới, triển khai một loại dụng cụ mới yêu cầu phải đầu tư. Mặc dù đầu tư trọng điểm là thế mạnh của y tế tư nhân, nhưng do không có nguồn nhân sự chuyên môn ổn định, không mấy nhà đầu tư mặn mà với việc đầu tư cho một kĩ thuật mới. Có người sẽ phản đối tôi, vì bây giờ có nhiều bệnh viện tư trang bị rất mạnh. Tuy nhiên, không dám nói tất cả, nhưng rất nhiều những bệnh viện tư nhân mới, đầu tư lớn, thực chất chỉ để bán, hoặc nhắm đến một nguồn lợi nào khác, ngoài y tế.
Qua hội nghị lần này, tôi lờ mờ cảm nhận được, tại sao khoảng cách giữa chúng ta và các nước khác ngày càng xa.
Theo : TS. BS Võ Xuân Sơn