Quốc hội của chúng ta rất bận rộn, đại biểu đa phần là kiêm nhiệm, ít thời gian để họp, có quá nhiều việc phải làm, vậy mà vẫn phải bỏ thời gian quí báu cho cái vụ ghi nhóm máu vào căn cước. Đúng là chúng ta rất quan tâm tới sự an nguy của của người dân.
Không biết lí do thực sự khiến Quốc hội bàn đến việc đưa nhóm máu vào căn cước là gì, nên không thể bàn chuyện đó một cách chính xác được. Những gì đang rộ lên trên truyền thông mấy ngày nay thì cho rằng việc ghi nhóm máu trên căn cước là để giúp cho việc cấp cứu nạn nhân trong các tai nạn được nhanh chóng hơn. Một lí do rất nhân văn.
Có người bảo rằng khi tai nạn hàng loạt xảy ra, việc biết trước nhóm máu sẽ giúp dự trù máu để cấp cứu tốt hơn. Lúc đó có ai ngồi thống kê nhóm máu của nạn nhân không? Cứ cho là có thống kê được đi, vậy có ai biết sẽ có bao nhiêu người của từng nhóm sẽ phải truyền máu không? Và sẽ phải truyền bao nhiêu máu để dự trù chính xác không? Hiện nay, các ngân hàng máu đều có dự trù theo một cơ số, dựa trên thống kê chung trong dân số và nhu cầu về máu qua các vụ tai nạn đã xảy ra.
Việc biết trước nhóm máu có thực sự làm cho quá trình cấp cứu nhanh hơn thật không? Tại các cơ sở có khả năng truyền máu, việc thử nhóm máu mất vài phút, và nó chỉ cản trở các hoạt động cấp cứu khác không quá 10 giây. Đấy là chưa kể sẽ chẳng ai dám nhìn vào cái nhóm máu ghi trong căn cước để truyền máu mà chắc chắn phải thử lại.
Thôi thì cứ cho là việc biết trước nhóm máu thực sự có tác dụng tốt trong việc cấp cứu nạn nhân các vụ tai nạn, vậy chúng ta có bao nhiêu nạn nhân tai nạn trong số hơn 90 triệu người dân. Hay chúng ta đang có kế hoạch làm tăng tỉ lệ tai nạn giao thông, tai nạn đả thương… cho toàn bộ dân số?
Với tỉ lệ vài phần trăm dân số có nhu cầu biết nhóm máu để phục vụ cấp cứu, mà chúng ta tổ chức cả một bộ máy khảo sát nhóm máu cho hơn 90 triệu dân, đến tận các vùng sâu, vùng núi cao… bao nhiêu công sức và tiền của bỏ ra? Điều đó có thực sự mang lại lợi ích gì không?
Tôi biết một người, khá nổi tiếng trên Facebook, thường vào thăm và comment tren trang fb này, trước đây có một nhóm máu khác, sau một đợt điều trị bệnh về máu, nhóm máu của anh ấy đã thay đổi. Vậy nếu Quốc hội quyết định đưa nhóm máu vào căn cước công dân, những trường hợp như vậy sẽ sửa làm sao?
Thiết nghĩ, ngoài các nhóm máu phổ biến, những ai có nhóm máu hiếm nên có thẻ thông báo mang theo người, phòng khi hữu sự thì việc biết trước nhóm máu hiếm có thể giúp ích cho họ. Trên thực tế nhóm này chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong dân số.
Việc khảo sát và ghi nhóm máu của trên 90 triệu dân vào căn cước công dân vừa tốn kém, vừa không mang lại lợi lộc gì. Thay vì dành thời gian cho cái việc tào lao này, Quốc hội chuyển sang bàn cách giảm thiểu tai nạn sẽ hữu ích hơn nhiều.
Quốc hội còn chưa có thời gian cho Luật biểu tình, chẳng có thời gian cho Nghị quyết về Biển Đông. Quốc hội còn rất nhiều chuyện phải làm, nổi bật là chuyện thay đổi thể chế mà các thành viên chính phủ đang khuyến nghị ngày càng mạnh mẽ, chuyện nợ công, nạn tham nhũng, sự suy đồi đạo đức, lối sống… Quốc hội hãy dành thời gian cho những việc xứng với tầm vóc của mình.
Người viết : TS. BS Võ Xuân Sơn