Đất nước Nhật, con người Nhật, dân tộc Nhật, nơi có biết bao nhiêu điều tốt đẹp, nơi có bao nhiêu điều mà chúng ta cần học tập, đặc biệt là tính kiên nhẫn, tinh thần tổ chức, kỉ luật. Văn hóa cộng đồng, một nét đẹp của văn hóa Nhật, tinh thần Nhật.
Trận động đất 8,9 độ Richter, sóng thần, những vụ nổ của các nhà máy điện hạt nhân, tất cả đang đè nặng lên đất nước mặt trời mọc. Con số người chết đang ngày càng gia tăng, thiệt hại kinh tế có thể nói là lớn nhất trong các thảm họa trên thế giới từ trước đến nay. Nhưng chính những thảm họa này lại cho chúng ta thấy một dân tộc Nhật với những phẩm chất tuyệt vời để có thể vượt qua nghịch cảnh.
Nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương, nơi xảy ra động đất thường xuyên nhất, nước Nhật luôn hứng chịu những trận động đất với cường độ lớn và mật độ dày đặc. Sóng thần cũng là một đặc sản của Nhật, từ Tsunami (sóng thần) được sử dụng rộng rãi trong các thứ tiếng Anh, Pháp, Đức… chính là xuất phát từ tiếng Nhật.
Nhật là nơi mà mọi người làm việc phải có một kế hoạch chi tiết, tỉ mỉ và chính xác. Bất kể một việc gì họ cũng có kế hoạch cụ thể. Tôi còn nhớ mãi lần đầu tiên tôi đi chơi với các bác sĩ ở bệnh viện mà tôi đang theo học. Chúng tôi dự định chơi tennis, sau đó đi ăn, rồi hát karaoke. Ngày hôm trước khi đi chơi, tôi nhận được một tờ giấy ghi đầy đủ kế hoạch, giờ khởi hành, phương tiện đi, tập trung ở đâu, chơi ở đâu, từ giờ nào tới giờ nào, ăn ở đâu, karaoke ở đâu, đi bằng gì, giờ nào về, ai về bằng gì… Và cuộc đi chơi diễn tiến đúng đến từng phút so với kế hoạch. Rồi những buổi hội chẩn kéo dài cho đến đêm chỉ để lập ra một kế hoạch mổ chính xác đến từng chi tiết, dự trù đến cả những diễn biến hiếm khi xảy ra nhất. Nhớ lại lần đầu tiên khi tôi được thực hiện một cuộc mổ trên bệnh nhân, dù đã trả lời đầy đủ các câu hỏi có sẵn, tôi vẫn phải trả lời tới hàng trăm câu hỏi, thậm chí có lúc tôi bực mình đến mức muốn bỏ ngang. Tôi còn nhớ mãi Tết Dương lịch năm 2000. Để chuẩn bị cho sự cố Y2K, toàn thể nhân viên bệnh viện và trường Đại học đều phải học cách ứng phó với Y2K. Lúc đó tôi tham gia ở cả hai nơi, trường đại học và bệnh viện nên phải tham dự học phòng chống Y2K tới hai lần, mất cả chục buổi tối. Vì tôi không biết tiếng Nhật nên sau khi bàn luận xong bằng tiếng Nhật, họ lại mất thời gian dịch ra tiếng Anh cho tôi, thế là buổi học kéo dài ra. Tối giao thừa, tôi ra phố chơi. Do biết trước ý định của tôi nên khi tôi ăn tối (tại nhà ăn của bệnh viện), tôi nhận được một thư hướng dẫn tỉ mỉ đi như thế nào, trường hợp tàu không chạy thì phải làm gì, trường hợp điện thoại không gọi được thì phải làm gì, rồi nếu phải đi bộ thì đi như thế nào… tỉ mỉ đến từng chi tiết. Do thói quen làm việc có kế hoạch như vậy nên khi có sự cố xảy ra, người Nhật ứng phó rất bình tĩnh và theo đúng kế hoạch.
Còn nhớ năm khi lần đầu tôi đến Kobe, chỉ khoảng hơn một tháng sau trận động đất kinh hoàng, xe hư móp méo và đồ đạc hỏng còn chất hàng đống cao chất ngất hai bên đường nhưng cuộc sống gần như đã trở lại bình thường. Cũng trong lần đến Nhật này, tôi chứng kiến sự bình tĩnh của người Nhật khi có động đất. Lúc đó tôi đang ở sảnh khách sạn, bất ngờ nhà cửa rung lên và người tôi như bị nhồi lắc trong khoảng vài giây, cuốn sổ để trên quầy rơi xuống đất, cây cảnh lắc lư với một biên độ mạnh. Các nhân viên khách sạn tỏ ra hoàn toàn bình tĩnh và trấn an những người khách nước ngoài, trong đó có tôi, đang tỏ ra lo lắng, nhất là khi dư âm của trận động đất ở Kobe vẫn còn đó. Hơn mười năm sau, có một trận động đất tương tự xảy ra tại Đài Bắc, khi tôi đang ở trong khách sạn, tôi không biết động đất có mạnh không nhưng theo cảm nhận của tôi thì trận động đất này nhẹ hơn nhiều so với những trận động đất tôi đã từng trải qua ở Nhật. Tuy nhiên, lần đó ở Đài Bắc thật sự là hoảng loạn. Sau này tôi mới được biết người Nhật đã được huấn luyện để biết động đất ở mức độ nào thì phải chạy và tất cả mọi nơi họ đều có kế hoạch cho việc này. Những ai đã từng đến Nhật đều biết những tấm kính có dán vạch chéo trên các ngôi nhà cao tầng là để làm gì. Đó là nơi mà khi có tai họa xảy ra, những người ở trong nhà không ra ngoài được nên tìm đến đó để được cứu thoát.
Như vậy, việc đối phó với thảm họa là việc đã được chuẩn bị trước ở Nhật, người Nhật không bị hoảng loạn khi sự cố xảy ra, các phương án đối phó đã được dự trù.
Việc có kế hoạch không thể lí giải hết được thành công của Nhật trong việc giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Mấy ngày nay, báo chí luôn ca ngợi việc chấp hành kỉ luật của người Nhật, việc không xảy ra hôi của, không xảy ra hỗn loạn, việc xếp hàng…
Những ai chưa đến Nhật có thể ngạc nhiên chứ nếu đã đến Nhật rồi, đến những nhà ga đông đúc ở Tokyo hay Osaka, đến những quán ăn nổi tiếng ở các thành phố lớn thì việc xếp hàng là một nét văn hóa vô cùng đẹp ở Nhật. Có lần, tôi tham dự lễ hội Luminaria (ánh sáng), đây là một lễ hội chỉ mới có sau khi xảy ra động đất ở Kobe. Có hàng triệu người tới đó để ngắm nhìn những công trình ánh sáng kì ảo, sản phẩm công nghệ cao của Nhật. Để được ăn tối, tôi phải xếp hàng hết khoảng hơn một giờ đồng hồ mới có thể lấy được bàn. Khi ra về, ga tàu chật ních người nhưng hoàn toàn trật tự. Tàu lửa là phương tiện giao thông hàng đầu tại Nhật. Các ga tàu thường khá rộng, trên sân ga đã có sẵn những vạch mà đó sẽ là nơi cửa của các toa tàu mở ra khi tàu dừng lại. Người đi tàu chỉ phải xếp hàng sẵn vào phía bên trái của vạch (nhường phía bên phải cho người xuống tàu). Các cửa tàu cách nhau khoảng 4 – 6m. Khi có đông người xếp hàng, hàng dài quá chiều ngang của sân ga thì hàng phải gấp lại, khi hàng được xếp gần tới vạch cửa toa thì lại phải gấp khúc ngược lại, như vậy nếu có nhiều người xếp hàng, hàng được xếp thành hình đàn xếp (hình sin). Ở lễ hội Luminaria tại Kobe, mặc dù hàng xếp gấp khúc hàng chục lần, đặc biệt là khi cửa tàu mở, mặc dù những người ở nơi hàng gấp khúc sát ngay cửa tàu nhưng không ai bước vào tàu mà đồng loạt di chuyển theo hàng. Cứ thử tưởng tượng cả một sân ga có mặt đến nhiều chục ngàn người cùng một lúc mà không có ai lộn xộn, tranh giành, tất cả đều trật tự. Điều này có lẽ chỉ có thể có ở một nơi, đó là nước Nhật. Cách đây vài năm, tôi “được” tham dự một lần xếp hàng ngay giữa thủ đô ánh sáng Paris, sát chân tháp Eiffel. Lúc đó có khoảng hơn muời người chờ taxi xếp thành hàng. Khi xe tới, hai anh chàng da trắng đến sau chạy lên mở cửa và chui vào trong khi người đứng ở đầu hàng chưa kịp mở cửa xe. Một anh chàng da trắng khác đang đứng phía sau la lối chửi hai người kia bằng tiếng Anh. Nhưng rồi cửa taxi đóng lại và xe chạy đi, anh chàng kia điên tiết chửi lớn rồi sau đó vọt lên mở cửa chiếc xe taxi tiếp theo trước sự ngơ ngác của những người khác.
Đất nước Nhật, con người Nhật, dân tộc Nhật, nơi có biết bao nhiêu điều tốt đẹp, nơi có bao nhiêu điều mà chúng ta cần học tập, đặc biệt là tính kiên nhẫn, tinh thần tổ chức, kỉ luật. Văn hóa cộng đồng, một nét đẹp của văn hóa Nhật, tinh thần Nhật. Nhờ vậy mà nước Nhật đã vươn lên từ đống tro tàn đổ nát sau chiến tranh năm 1945, trở thành một nước công nghiệp hàng đầu thế giới. Tôi có một niềm tin rằng nước Nhật sẽ vững vàng vượt qua những khó khăn hiện nay, với tinh thần cộng đồng của mình, dân tộc Nhật sẽ giảm thiểu tối đa những thiệt hại do thiên tai gây ra cho mình và cho toàn thế giới.
Theo : Trung Dũng