Khi tôi viết rằng cần kéo chi phí y tế về gần với mức chi phí thực của nó, có nhiều ý kiến phản đối, nhiều ý kiến băn khoăn về việc người nghèo làm sao chi trả được các chi phí đó. Trên thực tế, khi Bộ Y tế đề xuất tăng giá dịch vụ y tế, rất nhiều ý kiến phản đối, dù rằng cái việc tăng giá ấy còn rất xa mới có thể tiếp cận được chi phí y tế thực sự.
Thời bao cấp, Nhà nước đã cố gắng bao cấp các khoản chi phí y tế. Ban đầu việc này xuất phát từ tính nhân đạo, và có thể nói là rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, mô hình bao cấp đã sụp đổ vì với trình độ phát triển kinh tế ở nước ta hiện nay, Nhà nước không thể nào có đủ nguồn lực để bao cấp cho y tế. Chính vì điều đó, người dân đã phải chi trả cho các chi phí y tế, các chính sách xã hội hóa y tế được ban hành.
Khả năng tài chính của Nhà nước ta hiện nay có thể nói rất hạn chế, thế nhưng Nhà nước vẫn cứ “ôm” lấy việc bao cấp cho y tế, trả lương cho một lực lượng lớn nhân viên y tế, mua máy móc, trang thiết bị… Sự dàn trải trong hoàn cảnh khả năng tài chính hạn chế dẫn đến việc bỏ qua qui luật. Lương, giá dịch vụ, trang thiết bị, hoạch định chính sách… đều phụ thuộc vào chỗ Nhà nước có bao nhiêu tiền chứ không xuất phát từ nhu cầu thực tế của xã hội.
Do sự dàn trải nên hậu quả là chất lượng dịch vụ y tế không đảm bảo trong khi đời sống của nhân viên y tế lại quá khó khăn. Cả hai phía, nhân viên y tế (người cung cấp dịch vụ) và người bệnh (người thụ hưởng dịch vụ) đều không thỏa mãn được nhu cầu của mình, một bên là nhu cầu về chất lượng dịch vụ y tế, một bên là nhu cầu thỏa mãn các nhu cầu tối thiểu.
Thị trường chịu ảnh hưởng của qui luật cung – cầu. Nếu đã xây dựng nền kinh tế thị trường thì việc hoạch định chính sách y tế phải dựa trên yếu tố cung – cầu, trong đó cầu là yếu tố chủ đạo để từ đó xác định cách thức cung. Việc định giá dịch vụ y tế hiện nay ở nước ta không dựa trên các yếu tố cấu thành giá của nền kinh tế thị trường. Việc định giá dịch vụ y tế nhất định phải dựa trên khả năng cung – cầu về y tế, và tất cả các yếu tố cấu thành về giá khác đều phải được tính đúng, tính đủ. Các qui định bắt buộc của Nhà nước hiện nay về giá dịch vụ y tế không xuất phát từ yếu tố cung – cầu, không tính đúng, không tính đủ các yếu tố cấu thành giá đều không phù hợp với qui luật thị trường, từ đó phát sinh những rắc rối tất yếu. Nếu không tìm cách đưa trở về con đường đúng với qui luật thì tất cả các động tác gỡ rối đều làm cho rối ren hơn.
Có thể nói nhà nước ta đã cố gắng rất nhiều trong việc cải cách kinh tế, xã hội hóa y tế. Tuy nhiên, việc cải cách nửa vời sẽ không thể mang lại hiệu quả như mong muốn, dẫn đến việc luôn lúng túng trong xử lí các vấn nạn y tế. Xã hội hóa y tế không đơn giản là việc cho phép tư nhân mở các cơ sở y tế rồi Nhà nước lại định ra một mức giá thấp, đồng thời bao cấp cho các cơ sở y tế công, tạo ra một môi trường không bình đẳng để cạnh tranh với các cơ sở y tế tư nhân.
Trở lại với việc định giá dịch vụ y tế. Tư duy về vấn đề này có vai trò quyết định. Đầu tiên nhất, chúng ta phải xác định thật rõ ràng: hoạt động y tế là hoạt động dịch vụ, giữa một bên là người cung cấp dịch vụ và một bên là khách hàng thụ hưởng dịch vụ. Và như vậy, phải có một sự bình đẳng về quyền lợi giữa hai chủ thể của mối quan hệ này. Không nên nhầm lẫn khái niệm nhân đạo và những vấn đề về y đức ở đây.
Y đức là những qui chuẩn đạo đức bắt buộc một nhân viên y tế khi hành nghề phải tuân theo và nó không liên quan gì đến việc định giá dịch vụ y tế. Y đức thể hiện trong thái độ ứng xử của nhân viên y tế với người bệnh, không chỉ trong lời ăn tiếng nói mà quan trọng hơn là việc nâng cao khả năng chẩn đoán và điều trị, cung cấp dịch vụ tốt hơn, chất lượng cao hơn, hạn chế rủi ro cho người bệnh.
Việc không vì đồng tiền mà làm điều không tốt cho người bệnh phải được hiểu là nhân viên y tế không được phép thực hiện các dịch vụ cho người bệnh nhằm trục lợi cho bản thân, chứ không phải là không được phép thu giá dịch vụ đúng với chất lượng của dịch vụ. Nếu một nhân viên y tế lựa chọn một dịch vụ y tế còn khiếm khuyết với mục đích giảm chi phí cho người bệnh phải được coi là hành vi không phù hợp với y đức chứ không thể nói là thương người bệnh được.
Khái niệm về nhân đạo cũng cần phải hiểu theo một cách khác. Việc cố gắng duy trì một giá dịch vụ thấp với hy vọng để cho mọi người dân đều có thể tiếp cận với dịch vụ y tế là y tưởng xuất phát từ tính nhân đạo. Nhưng việc duy trì một nền y tế chỉ có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng thấp, hậu quả là làm suy yếu khả năng của nền y tế, dẫn đến việc người dân không được chăm sóc y tế đúng mức, từ đó có thể gây ra thảm họa nhân đạo. Việc chỉ chú ý đến người bệnh mà không quan tâm đến đời sống của nhân viên y tế cũng chỉ ra sự thiếu nhân đạo của chính sách.
Tất nhiên là không thể phó mặc toàn bộ công việc định giá dịch vụ y tế cho thị trường mà không có vai trò của quản lí nhà nước. Nhà nước cần phải xác định được chất lượng dịch vụ y tế chuẩn làm cơ sở cho việc định giá các dịch vụ theo chuẩn. Việc định giá này bắt buộc phải tuân theo qui luật thị trường, và phải tính đến tất cả các yếu tố liên quan đến chất lượng dịch vụ, và không thể bỏ qua một yếu tố quan trọng: nhu cầu hợp lí của nhân viên y tế.
Định giá dịch vụ y tế theo đúng với qui luật thị trường, đưa giá dịch vụ y tế về sát với giá trị thực của nó là tiền đề giải quyết một cách cơ bản các vấn đề nan giải của y tế hiện nay như quá tải, chất lượng khám chữa bệnh, những xung đột giữa người bệnh và nhân viên y tế, chảy máu chất xám do chính sách lương bổng không hợp lí… mà chúng ta đang lúng túng.
Dựa trên việc định giá các dịch vụ y tế đúng đắn, chúng ta có thể xây dựng được một chiến lược phát triển y tế phù hợp. Từ đó xây đựng chính sách đúng đắn với từng nhóm đối tượng nhân dân, khu trú những đối tượng cần sự hỗ trợ của nhà nước để tập trung nguồn lực nhà nước cho nhóm người nghèo. Cũng từ đó, Nhà nước có thể đề ra chính sách phù hợp cho bảo hiểm y tế công với mức thu và những dịch vụ được chi trả hợp lí, đồng thời tạo điều kiện cho bảo hiểm y tế tư nhân phát triển, gánh vác một phần trách nhiệm chăm sóc y tế của xã hội.
Việc định giá dịch vụ y tế đúng với thực tế cũng góp phần tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng để y tế tư nhân phát triển, gánh bớt một phần gánh nặng y tế cho Nhà nước, tạo điêu kiện cho cả nền y tế phát triển, người dân có nhiều cơ hội để tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng cao.
Người viết : TS. BS Võ Xuân Sơn