Dị ứng thuốc điều trị các bệnh cơ xương khớp

di-ung

Tất cả các loại thuốc chữa bệnh đều có thể có những phản ứng không mong muốn và một trong các phản ứng không mong muốn đó là dị ứng thuốc. Dị ứng thuốc là những phản ứng, hội chứng, bệnh lý xuất hiện trong hoặc sau khi dùng thuốc với những mức độ khác nhau, từ nhẹ (ngứa, mệt mỏi và nổi mẩn da), đến vừa (sốt, nổi ban lan rộng, thay đổi chức năng gan, thận) và nặng (co thắt cơ hô hấp, hoại tử thượng bì nhiễm độc, suy chức năng gan, suy thận…) thậm chí rất nặng và có thể gây tử vong cho người bệnh.

Các bệnh lý cơ xương khớp (còn gọi các bệnh thấp khớp) là một trong những nhóm bệnh rất thường gặp ở nước ta cũng như các nước trên thế giới, được coi là nhóm bệnh mang tính xã hội vì nhiều người mắc, bệnh thường diễn tiến kéo dài ảnh hưởng tới cuộc sống và sinh hoạt của nhiều người, một số bệnh có thể gây tàn phế, giảm tuổi thọ và mất khả năng lao động của con người. Có gần 200 bệnh của hệ thống vận động (hệ cơ – xương – khớp). Nhóm bệnh này rất khác nhau, đa dạng và phức tạp, có diễn biến, tiên lượng và điều trị hoàn toàn khác nhau. Mỗi bệnh đều cần thiết được chẩn đoán xác định càng sớm càng tốt, được theo dõi điều trị một cách toàn diện và hệ thống tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Vì tính đa dạng, phức tạp và diễn biến kéo dài, nên các bệnh lý này cũng cần có nhiều nhóm thuốc tương ứng để điều trị như: các thuốc giảm đau, các thuốc kháng viêm, các thuốc có thể làm thay đổi diễn tiến của bệnh viêm khớp dạng thấp, các thuốc điều hòa hoặc ức chế miễn dịch, các thuốc làm thay đổi cấu trúc của sụn khớp, các thuốc chống hủy xương và các thuốc tăng tạo xương để điều trị loãng xương, các thuốc làm tăng thải acid uric và các thuốc chống tổng hợp acid để làm giảm acid uric máu trong điều trị bệnh Gout, các thuốc kháng lao và kháng sinh để điều trị lao khớp và các bệnh lý viêm khớp do vi trùng…

Dị ứng thuốc liên quan tới 3 vấn đề chính:

– Thuốc được sử dụng bao gồm các yếu tố liên quan đến hoạt chất thuốc, tá dược, cách dùng, đường dùng của thuốc.
Cơ địa người bệnh, các bệnh lý hay tình trạng đặc biệt của cơ thể người bệnh (trẻ em, người có tuổi, người có nhiều bệnh mạn tính, phụ nữ có thai hay đang cho con bú…).

– Tương tác với các thuốc khác hoặc các thức ăn người bệnh đang dùng đồng thời. Đây là vấn đề rất quan trọng và là yếu tố thúc đẩy làm tăng nguy cơ của tất cả các loại phản ứng không  mong muốn của thuốc, đặc biệt là dị ứng thuốc

Nghiên cứu tình hình dị ứng thuốc những năm gần đây, các chuyên gia cho biết: danh sách các thuốc gây dị ứng ngày càng dài hơn, số người bị dị ứng thuốc ngày càng tăng và mức độ dị ứng cũng có xu hướng nặng hơn vì chúng ta ngày càng có thêm nhiều thuốc mới, nhu cầu dùng thuốc để phòng và chữa bệnh của con người cũng ngày càng tăng, một người bệnh, đặc biệt là người có tuổi, thường phải sử dụng cùng lúc nhiều loại thuốc để điều trị nhiều chứng bệnh mạn tính liên quan tới tuổi như: tăng huyết áp, bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, bệnh lý dạ dày, thoái hóa khớp, loãng xương, viêm khớp… Chính vì vậy, người bệnh có tuổi thường phải chịu hậu quả của các phản ứng không mong muốn của thuốc, đặc biệt là dị ứng thuốc.

Dị ứng một số thuốc thường dùng trong các bệnh lý cơ xương  khớp

Dị ứng các thuốc kháng viêm không (chứa) steroid (KVKS):

di-ung-2

Các thuốc kháng viêm không steroid là một nhóm gồm nhiều loại thuốc, không đồng nhất và thường không liên quan với nhau về mặt hóa học, nhưng có cùng tác dụng điều trị, tác dụng kháng viêm, giảm đau và hạ sốt, vì đều có tác động ức chế prostagrandin thông qua ức chế men cyclooxygenase – (COX). Chính vì vậy, nhóm thuốc này đã được sử dụng rất rộng rãi, được coi như các thuốc chủ lực để điều trị các triệu chứng đau và viêm của rất nhiều trạng thái bệnh lý, đặc biệt các bệnh lý cơ xương khớp.

Nhóm thuốc này cũng là nhóm thuốc thường gây dị ứng, theo thống kê, khả năng gây dị ứng chung của nhóm thuốc này đứng thứ 2, chỉ sau nhóm kháng sinh. Như vậy, khi sử dụng các thuốc KVKS, chúng ta phải chấp nhận cả các khả năng gây dị ứng, các tác dụng phụ và phản ứng có hại của chúng (trên đường tiêu hóa, hệ tim mạch, hệ gan mật, hệ niệu… vì khả năng gây dị ứng, các tác dụng có lợi và bất lợi của thuốc cùng tồn tại trong bản chất của thuốc, liên quan tới chính cơ chế tác dụng của thuốc.

Dưới đây là các thuốc kháng viêm không steroid chính:

– Đầu tiên là aspirin, một thuốc kháng viêm giảm đau đầu tiên, được đưa ra thị trường từ năm 1899.

– Tiếp theo là một loạt thuốc có tác dụng kháng viêm, giảm đau được lần lượt đưa ra thị trường như: phenylbutazone (butazolidin), indomethacin (indocid), ibuprofen (motrin, advil), fenoprofen (nalfon), ketoprofen (profenid), naproxen (apranax), acid tiaprofenic (surgam), diclofenac (voltarene), sulidac (clinoril), diflunisal (dolobid), piroxicam (feldene), nimesulid (nexen), acemetacin (Emflex), tenoxicam (tilcotil), meloxicam (mobic), celecoxib (celebrex), rofecoxib (vioxx), valdecoxib (bextra), parecoxib (dynastat), etoricoxib (arcoxia), lumiracoxib (prexige)…

Các thuốc này đều có thể gây hiện tượng dị ứng như nổi mẩn ngứa, đỏ da, đỏ mắt, phù mặt… hiện tượng này thường nhẹ và hồi phục nhanh khi ngưng thuốc. Tuy nhiên cũng có thể có phản ứng nặng, thậm chí chết người như: phù mạch, co thắt khí phế quản, hồng ban đa dạng, hoại tử thượng bì nhiễm độc, hội chứng Stevens Johnson, hội chứng Lyell… Khi người bệnh đã bị dị ứng một loại thuốc kháng viêm không steroid, nhiều khả năng sẽ bị dị ứng chéo với các thuốc kháng viêm khác vì vậy cần rất thận trọng, cho liều thấp, theo dõi thật sát khi buộc phải dùng nhóm thuốc này cho người bệnh.

Dị ứng Allopurinol:

Allopurinol là một chất ức chế men xanthine  oxydase, có tác dụng chống tổng hợp acid uric được sử dụng để điều trị bệnh gút.

Hiện tượng dị ứng có thể gặp ở  khoảng 5 % bệnh nhân sử dụng allopurinol, đây được coi là một điều không may cho các bệnh nhân gút vì allopurinol được coi là loại thuốc rất quan trọng trong điều trị bệnh gút.

Hiện tượng dị ứng có thể nhẹ như ngứa, mẩn đỏ hoặc nặng hơn nổi ban đỏ, nổi bóng nước, sốt, tăng men gan, hoại tử thượng bì… thường phải ngưng thuốc.

Làm gì khi bị dị ứng hoặc nghi ngờ dị ứng thuốc?

Tất cả các biểu hiện bất thường sau khi sử dụng thuốc đều cần được quan tâm.

Khi bị dị ứng hoặc nghi nhờ dị ứng thuốc nên ngưng thuốc và liên hệ hoặc gặp lại bác sĩ ngay. Các bác sĩ sẽ hỏi và khám bệnh, tìm hiểu các thuốc cùng dùng, tìm hiểu các bệnh lý tiềm ẩn hay liên quan, cho làm các xét nghiệm cần thiết… để xác định tình trạng và mức độ dị ứng.

Tùy mức độ dị ứng, việc điều trị thích hợp sẽ được tiến hành thuốc chống dị ứng, thuốc ức chế phản ứng miễn dịch, nước và điện giải, kháng sinh phòng và chống bội nhiễm, hỗ trợ hô hấp, tim mạch, gan, thận, thải trừ thuốc, chống choáng phản vệ…              

Dị ứng thuốc là một loại phản ứng của hệ miễn dịch của cơ thể người bệnh với thuốc, tùy thuộc vào bản chất của thuốc, cơ địa người bệnh và tương tác của các loại thuốc cùng dùng. Tuy không hoàn toàn tránh được hiện tượng này nhưng với trình độ và kinh nghiệm của mình, các thầy thuốc có thể làm giảm tới mức thấp nhất hiện tượng này bằng cách: sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả, tìm hiểu kỹ cơ địa và đặc điểm riêng biệt của từng người bệnh, kiểm soát các thuốc cùng dùng và tránh các tương tác bất lợi của thuốc.

Theo PGS.TS. Lê Anh Thư (Khoa nội cơ xương khớp, BV Chợ Rẫy)