Việc cạnh tranh công bằng giữa bệnh viện tư và bệnh viện công chỉ là không tưởng. Trên thực tế, đây là một cuộc đấu không cân sức giữa hai phe tư nhân, một phe có thể gọi là “tư nhân quốc doanh”, và phe kia là “tư nhân trần trụi”.
Đi dự khai trương một bệnh viện tư nhân mới, nhận được tin 2 bệnh viện tư nhân đã chính thức đóng cửa. Điều đáng buồn là qui mô của 2 bệnh viện kia gấp 4 – 5 lần cái bệnh viện mới khai trương.
Chỉ riêng tại Sài gòn, 2 bệnh viện tư nhân chính thức đóng cửa, hơn chục bệnh viện khác ngắc ngoải. Phòng khám thì không thể thống kê nổi, vài bữa thấy mở mới, vài bữa thấy đóng cửa. Sao bi đát quá vậy?
Ở bài trước, tôi đề cập đến một số nguyên nhân làm cho các bệnh viện tư “ngắc ngoải”. Làm sao để một bệnh viện tư nhân thành công? Đây là một câu hỏi không dễ trả lời, ngay cả đối với các nhà kinh tế sừng sỏ. Trên thực tế, những bệnh viện tư nhân tại Sài gòn thành công hiện nay đều là những bệnh viện được thành lập từ khi mới bắt đầu được phép thành lập bệnh viện tư. Đó là những bệnh viện nằm ở những vị trí khá chiến lược, đầu tư ban đầu không lớn do lúc đó chưa có tiêu chuẩn cụ thể, luật pháp chưa rõ ràng, việc marketing không khó khăn lắm do chỉ có mộ số ít bệnh viện tư nhân.
Những bệnh viện thành lập sau này không có được lợi thế đó nên khả năng thành công không cao. Với một nền kinh tế càng ngày càng ảm đạm, có vẻ như thị trường y tế tư nhân đã bão hòa. Tầng lớp trung lưu, đối tượng khách hàng chính của y tế tư nhân, đang giảm mạnh về số lượng, một bộ phận lớn gia nhập đội ngũ bình dân, không đủ khả năng chi trả cho những dịch vụ mắc tiền.
Những bệnh viện sinh sau đẻ muộn rất khó có thể cạnh tranh với những bệnh viện tư ra đời trước đó, một phần vì không chiếm giữ được các vị trí chiến lược, phần vì không tạo cho mình được một giá trị đủ để lôi kéo bệnh nhân đến với mình bởi không có đủ nhân sự chuyên môn, vừa do sự cạnh tranh với các bệnh viện tư khác, vừa do sự cạnh tranh với hàng loạt bệnh viện công mới mở.
Chủ trương thành lập bệnh viện tư để giảm tải cho các bệnh viện công đã không thực sự cuốn hút các bệnh viện công. Rất nhiều các bệnh viện công đang quá tải không thực sự mong muốn giảm tải. Sự quá tải chính là cơ hội để cải thiện đời sống cho tất cả các tầng lớp nhân viên của bệnh viện. Ngoài việc bệnh nhân luôn phải cầu cạnh thì việc các khu dịch vụ với giá cả cao chất ngất, hơn cả các bệnh viện tư, được xây mới bao nhiêu cũng vẫn luôn được lấp đầy, giá chia chác cho các hợp đồng xã hội hóa cũng sẽ cao hơn. Không ai dại gì mà giảm tải cả.
Chỉ có một bệnh viện tư được thành lập về sau này đang tỏ ra thành công nhưng thực ra cũng là nhờ được coi là sân sau của một bệnh viện công đầy uy tín. Đồng thời, bệnh viện đó cũng thuộc một chuyên khoa khá chuyên biệt, ít bị cạnh tranh. Tuy nhiên, sắp tới đây, khi bệnh viện công “vật chủ” hoàn tất khu dịch vụ đang xây dựng, chưa biết bệnh viện tư đang được coi là thành công kia sẽ như thế nào.
Những bệnh viện tư sinh sau đẻ muộn bây giờ muốn thành công thì hoặc là chuyển về những vùng xa, hạ chuẩn để phục vụ cho người nghèo, hoặc phải có những đột phá về chuyên môn, có những mũi nhọn thực sự mạnh, đủ để xấy dựng một y hiệu mạnh, từ đó làm nên một thương hiệu mạnh. Nhưng trên thực tế hiện nay, với những lợi thế của mình, khả năng độc quyền trong các đột phá chuyên môn của các bệnh viện công là rất cao.
Việc cạnh tranh công bằng giữa bệnh viện tư và bệnh viện công chỉ là không tưởng. Trên thực tế, đây là một cuộc đấu không cân sức giữa hai phe tư nhân, một phe có thể gọi là “tư nhân quốc doanh”, và phe kia là “tư nhân trần trụi”. Nếu không có một sự thay đổi quyết định, các bệnh viện tư nhân rồi cũng sẽ phải tìm cách để bú ké bầu sữa nhà nước, hoặc trông chờ vào những hệ quả của sự suy giảm đạo đức do chạy theo vật chất của đội ngũ nhân viên y tế của bệnh viện công, từ đó tạo ra tâm lí chán nản bệnh viện công của công chúng, mới có thể tồn tại và phát triển.
Tóm lại, cả hệ thống y tế công và tư hiện nay đang trông chờ vào những yếu tố tiêu cực, những yếu tố lực cản, phản động để tồn tại và cùng nhau lay lắt. Xem ra giấc mơ cất cánh của y tế Việt nam vẫn còn quá xa vời.
Theo: BS. Xuân Sơn