Một thầy thuốc có trình độ chuyên môn cao, có trách nhiệm với xã hội không bao giờ cho toa thuốc trên mạng cho mọi đối tượng. Những thầy thuốc thực sự có trách nhiệm với người bệnh, với cộng đồng sẽ luôn cân nhắc tất cả các yếu tố liên quan để có một chẩn đoán đúng và liệu pháp điều trị đúng đối với từng cá thể.
Nhận thấy có một tỉ lệ cao những người bệnh thuộc lĩnh vực cơ xương khớp bị các biến chứng do lạm dụng thuốc, chúng tôi quyết định khảo sát sâu những trường hợp này. Kết quả sơ bộ ban đầu cho thấy có một tỉ lệ lớn những bệnh nhân như vậy bị suy tuyến thượng thận, dẫn đến hội chứng Cushing và hàng loạt bệnh lí khác như loãng xương, thoái hóa khớp, viêm da, xuất huyết dưới da…
Hầu hết những người bệnh này đều sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, những toa thuốc, bài thuốc truyền tay nhau hoặc lấy về từ trên mạng. Có lần, khi đi qua phà Vàm Cống, tôi chứng kiến một anh thanh niên rao bán thuốc với những chứng cứ khoa học được những giáo sư bên Tây bên Mỹ gì đó xác nhận. Hỏi thì anh ấy bảo vào mạng mà xem, bao nhiêu là người dùng thuốc đó đã hết hẳn đủ thứ bệnh. Hỏi cụ thể mạng nào thì anh ấy lẩn trốn.
Vào một ngày đẹp trời, có một anh chàng ăn mặc chỉnh tề, đến gặp tôi và xin cho anh ấy vào làm việc tại phòng khám của tôi. Anh ấy sẽ không nhận lương mà chỉ làm từ thiện, rằng anh ấy mặc dù không được học hành nhiều nhưng có cơ duyên, được Trời, Phật độ nên có một số bài thuốc chữa được nhiều thứ bệnh nan y… Tất nhiên là tôi khuyên anh ấy nên đi khám tâm thần. Một thời gian sau, anh ấy nhắn tin cho tôi, rằng anh ấy đã phổ biến bài thuốc trên mạng, và rất nhiều người sử dụng, hết cả bệnh ung thư lẫn xơ gan, hết cả bệnh thoát vị đĩa đệm lẫn viêm khớp.
Ngoài những nhân vật tâm thần hoang tưởng cứu nhân độ thế như trên, những người truyền bá các bài thuốc, toa thuốc trên mạng (gọi là các “bác sĩ” Google), còn là những người nhiệt tình với cộng đồng. Khi họ bị bệnh và được chữa hết bệnh, họ muốn phổ biến cách chữa của mình cho cộng đồng với mong muốn giúp những người cùng cảnh ngộ. Tuy nhiên, cơ thể con người không ai giống ai, bệnh lí cũng vậy, cùng một triệu chứng nhưng có thể lại là do những bệnh lí khác nhau, thậm chí phương pháp điều trị trái ngược nhau… nên việc áp dụng một toa thuốc chung cho mọi người là điều hết sức phản khoa học và nguy hiểm.
Ngoài 2 đối tượng trên, một đối tượng nữa cũng thường đóng vai “bác sĩ” Google, đó là những người quảng cáo. Có thể nói đối với nhiều nhà kinh doanh hiện nay, công nghệ quảng cáo của họ đã đạt đến trình độ mất hết nhân tính, sẵn sàng chà đạp lên mọi giá trị khoa học, đạo đức, tư tưởng, nhân văn… Càng ngày sự tinh vi của những quảng cáo này càng đạt đến trình độ siêu đẳng. Họ sẵn sàng tìm cách khai thác những đau khổ của người bệnh, như những bệnh lí đau, ung thư… Những người này sẵn sàng dốc hết hầu bao vì sự an nguy và tính mạng của mình. Họ đưa ra những toa thuốc có thể rất độc hại để lừa người bệnh tin rằng họ thật sự vô tư, không vì tiền.
Mạng xã hội là một cuộc cách mạng trong truyền thông. Nó khiến con người xích lại gần nhau, làm cho thế giới trở thành nhỏ bé. Nó giúp chúng ta chia sẻ ý kiến, quan điểm, chia sẻ kiến thức… Tuy nhiên, như một khu rừng rậm nhiệt đới, ngoài việc mang đến cho chúng ta những hoa thơm trái ngọt, nó còn chất chứa những hiểm nguy rình rập. Những loài ác thú, những giống rắn rít nhện độc cũng nương vào nơi đó mà sống, những loài nấm độc với sắc hương rực rỡ luôn quyến rũ mời chào khi chúng ta bước vào khu rừng ấy.
Một thầy thuốc có trình độ chuyên môn cao, có trách nhiệm với xã hội không bao giờ cho toa thuốc trên mạng cho mọi đối tượng. Những thầy thuốc thực sự có trách nhiệm với người bệnh, với cộng đồng sẽ luôn cân nhắc tất cả các yếu tố liên quan để có một chẩn đoán đúng và liệu pháp điều trị đúng đối với từng cá thể. Hãy là một người tiêu dùng thông minh để nhận biết điều ấy.
Và một điều cần lưu ý, là việc sử dụng những toa thuốc lưu truyền trên mạng gần như chắc chắn sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường. Tất cả các loại thuốc đều có thể là thuốc độc. Đối với người này nó là thuốc chữa bệnh nhưng với người khác thì nó là thuốc độc. Đối với cùng một người, ở thời điểm này thì nó là thuốc chữa bệnh nhưng lúc khác nó lại gây bệnh. Một thứ thuốc có thể chữa được bệnh này nhưng lại gây ra bệnh khác…
Do vậy, hãy đến với các bác sĩ thực khi bị bệnh. Tin vào các bác sĩ ảo, nguy cơ nhận lãnh những hậu quả nặng nề là vô cùng lớn.
Người viết : TS. BS Võ Xuân Sơn