Có lẽ bác sĩ nào cũng có cũng có những bệnh nhân đồng hành với mình lâu dài, đến mức mà người bác sĩ có thể thuộc làu lịch sử bệnh tật của người bệnh đó, thuộc cả gia cảnh, giống như đó là người thân của mình.
Tôi cũng có những bệnh nhân như vậy, có người bệnh nặng, có người bệnh nhẹ. Trong số những bệnh nhân như vậy, có một bệnh nhân để lại cho tôi những ấn tượng khó quên. Lần đầu khám bệnh, cháu là một bé gái 13 tuổi, có triệu chứng của chèn ép tủy cổ. Hồi đó chưa có CTScan cũng như MRI, nên chúng tôi phải chụp tủy đồ.
Về kĩ thuật, để chụp tủy đồ, bác sĩ phải chọc kim vào ống sống ở thắt lưng, bơm thuốc cản quang vào khoang nước ở tủy sống, thuốc cản quang chạy lên trên, chỗ nào có khối u thì không có thuốc, tạo thành hình khuyết khi chụp. Khi chụp tủy đồ cho cháu, thấy khối u ở vùng ngực thấp. Khối u lớn quá nên thuốc không “vòng qua” để lên trên được, không thấy được đầu trên khối u, trong khi dấu hiệu cho thấy cháu bị chèn ép ở cổ. Vậy là phải bơm thuốc vào cổ để thuốc chạy xuống.
Lúc đó, ở Việt nam chưa có ai chọc dò và bơm thuốc ở cổ cả, đây là một kĩ thuật khó và nguy hiểm. Tôi biết đến kĩ thuật này do sếp nói ở nước ngoài có làm. Tình trạng của cháu ngày càng nặng. May thay, một bài báo trong một tạp chí cũ tại thư viện Đại học Y Dược có nói khá chi tiết về vấn đề này. Tôi lại tham khảo các thầy giải phẫu về độ dày và cấu trúc cơ vùng cổ, rồi tập chọc dò trên xác. Cùng với sếp, chúng tôi đã tiến hành chọc dò và làm tủy đồ từ cổ xuống thành công.
Cháu bị nhiều khối u, từ cổ xuống ngực. Chúng tôi mổ cho cháu, lấy ra hàng chục khối u. Vẫn còn hàng ngàn khối u nhỏ như đầu tăm, bám đầy trên các rễ thần kinh trong tủy. Nhờ cháu, tôi mới biết đến Neurofibromatose, đến NF2, căn bệnh u thần kinh lành tính nhưng tái phát liên tục.
Sau này, tôi trở nên thành thạo với việc chọc dò tủy sống từ cổ, chụp được nhiều hình tủy đồ từ cổ, nhờ đó mà nhận được sự nể trọng của các đồng nghiệp nước ngoài, dẫn đến việc tôi dễ dàng được chấp nhận khi xin vào học ở các cơ sở của họ. Ngày nay, tôi được một số đồng nghiệp ở trong và ngoài nước biết đến một phần nhờ những báo cáo về ca bệnh của cháu cùng một số ca khác.
Cháu được mổ tổng cộng khoảng 20 cuộc mổ, từ u não, u tủy, u dây thần kinh ở tay, chân… Khoảng gần 10 năm lại đây, cháu không còn nghe được do u dây thần kinh số VIII cả hai bên, một tay và một chân cử động hơi khó khăn do u của các dây thần kinh ở vùng này tái phát liên tục, gây đau và yếu. Lần khám cuối cùng, những cuộc mổ u dây thần kinh số VIII hai bên nhiều lần làm cho cơ mặt cháu bị liệt, không có khả năng biểu lộ cảm xúc. Cùng với những cơn đau xé da thịt, mặc dù mới 35 tuổi mà trông cháu như một bà già. Thuốc giảm đau cứ phải tăng liều lên dần.
Khoảng 3 năm nay cháu không tái khám. Nhà cháu không có điện thoại nên không hỏi thăm thường xuyên được. Cách đây hơn một năm, một người hàng xóm cho biết cháu vẫn đi lại được tuy có khó khăn, và vì cháu không nghe được, lại không biểu lộ được cảm xúc, nên cháu ít giao tiếp với bên ngoài.
Sáng nay vào phòng khám, thấy ba cháu đang ngồi trước cửa phòng Xquang, đinh ninh là ba cháu đưa cháu đi khám bệnh. Đến khi bước vào phòng khám lại là mẹ cháu. Cháu đã mất được hơn 100 ngày, liệt, suy kiệt dần rồi mất. Tôi không dám hỏi sâu hơn. Không biết có phải cháu quyết định chọn cho mình giải pháp này hay không?
Mẹ cháu nói, rằng cháu rất tỉnh táo và minh mẫn. Cháu xác định được cả thời gian cháu mất cho cha mẹ cháu. Cháu nói với mẹ cháu, rằng sau khi cháu mất, mẹ cháu nên đến cho tôi khám bệnh (mẹ cháu bị đau lưng khá nặng), và gởi lời cám ơn tôi đã chăm sóc cho cháu trong một khoảng thời gian dài.
Phải mất một lúc tôi mới có thể tập trung vào việc khám bệnh và cho mẹ cháu toa thuốc. Dù không phải ruột thịt, nhưng 25 năm qua, mối quan hệ thầy thuốc – bệnh nhân đã trở nên sâu đậm. Làm sao có thể cầm lòng khi nghe tin cháu mất, lại còn gởi lời cám ơn mình trước khi ra đi nữa.
Thôi thì đành tự an ủi, rằng cháu đã trả xong nợ đời. Hãy an nghỉ nghe cháu.
Theo : TS. BS Võ Xuân Sơn