Một bạn buồn quá, post một stt về chuyện mình bị đì. Đi học FFI ở Pháp về, bị điều luôn xuống cấp cứu. Lâu lâu có người tỏ vẻ quan tâm nhưng thực ra là chọc vào nỗi đau của bạn ấy. Tôi rất hiểu trường hợp của bạn ấy, bởi vì tôi luôn bị như vậy.
Tôi bị đì nhiều lần từ trước khi tôi là bác sĩ, lần nào cũng làm thay đổi cuộc đời tôi, và đưa đẩy tôi trở thành một bác sĩ. Khác với người bạn kia, ngoài cái tính ngang ngạnh, hay phát biểu bộc trực không nhìn trước ngó sau, tôi còn một yếu điểm khác, dễ bị đì hơn, đó là tôi nói giọng Bắc.
Mặc dù lăn lộn nhiều với bệnh nhân, với công việc, tôi lại không tham gia các lớp học tiếng Anh, tiếng Pháp với các sếp, nên trong thời gian sếp lớn đi vắng, 2 sếp nhỏ thống nhất với nhau là tôi và một bác sĩ cùng khóa lười học hành, cho nên không thuộc nhóm được qui hoạch đưa qua Pháp học để quay về làm nòng cốt cho khoa mới sắp thành lập của một bệnh viện khác.
Thực ra là tôi không dám học tiếng Anh với các sếp, vì sợ rằng trình độ của tôi kém hơn họ nhiều. Lúc đó tôi cũng không có tiền để tham dự các lớp học đắt tiền mà các sếp cùng với mấy bạn đàn em con nhà giàu đang theo. Cho nên tôi tự học. Mãi đến khoảng năm 1991 hay 1992 gì đó, nhân có một bác sĩ nước ngoài đến nói chuyện, tôi mới phát hiện ra tiếng Anh của mình không đến nỗi quá tệ, so với cả những người được coi là giỏi.
Đó là chuyện về sau, khi đó, tôi được phân công điều trị khu bệnh lí sọ não, khu quí tộc nhất thời đó. Thực ra thì làm bác sĩ điều trị khu đó rất vất vả, bệnh diễn tiến rất bất thường, phương tiện chẩn đoán rất nghèo nàn. Tuy nhiên, khi đó, bệnh lí sọ não được coi là cao cấp nhất nên bác sĩ nào cũng muốn mình được làm tại đó.
Tôi hoàn thành khá tốt công việc, các đàn anh và sếp lớn đều rất quí. Các sếp nhỏ thì người đã đi sang cái khoa mới, người thì đi Pháp học, nên nói chung là dễ thở hẳn. Khi đó có 2 bác sĩ mới ra trường đi học tại khoa, thực ra là để chuẩn bị về khoa làm việc. Hai bác sĩ này được người nào đó gởi gấm nên có vẻ tự tin lắm.
Một trong 2 bác sĩ mới đó có quan hệ bà con với tôi, mà tôi lại đang ở cái khu quí tộc, nên họ đi theo tôi. Một ngày kia, có một ca bệnh được tôi chỉ định làm mạch não đồ. Đó là một thủ thuật khá nguy hiểm, chích kim vào động mạch ở cổ, bơm thuốc vào não để chụp. Nếu không cẩn thận máu chảy ra ngoài động mạch làm sưng phù cổ, có thể gây khó thở đến mức chết người.
Điều dưỡng đưa bệnh nhân xuống khoa Xquang trước. Khi tôi xuống tới nơi thì một trong 2 bác sĩ sắp vào khoa đó đang vật lộn với cái cổ sưng phù của bệnh nhân. Tôi hoảng hồn, đè để không cho máu chảy. Không thể làm gì được với cái cổ sưng phù như vậy, nếu không may máu chảy thêm thì bệnh nhân có thể tử vong. Hôm đó là thứ Bảy, tôi đưa bệnh nhân về khoa, hẹn thứ Hai sẽ làm thủ thuật. Tôi còn cẩn thận dặn bác sĩ mới là không được làm mạch não đồ trên bệnh nhân đó nữa.
Sáng thứ Hai tôi vào phòng bệnh, bệnh nhân khóc với tôi, rằng hôm qua (Chủ Nhật), bác sĩ kia đưa xuống, chọc quá trời mà không vô. Nhìn cái cổ sưng phù của bệnh nhân, tôi giận quá, yêu cầu bác sĩ kia không được đụng vào bất cứ bệnh nhân nào trong khu vực của tôi điều trị nữa. Thật bất ngờ, ngày hôm sau, sếp lớn, người rất mực thương yêu tôi, người mà tôi rất kính nể, sừng sộ: “Khu điều trị này là của riêng ông hay sao, ai cho ông cái quyền cấm người khác? Đi sang khu cột sống mà làm”.
Tôi đến với chuyên ngành phẫu thuật cột sống như vậy đấy. Khi ấy, khu cột sống được gọi là kênh Nhiêu lộc. Toàn là bệnh nhân loét, nhiễm trùng tiểu, cực kì hôi thối. Vợ con bỏ hết. Thỉnh thoảng mới có người có thể xuất viện về, đa số nằm cho đến chết. Khi đi đến gần khu “Nhiêu lộc” ấy, ai cũng phải bịt mũi. Bệnh thoát vị đĩa đệm hiếm lắm mới có một ca, cứ như là vàng là ngọc trong cái khu “kênh nước đen” đó.
Tôi lần mò đến các thư viện. Sách về chấn thương cột sống rất ít, toàn là tiếng Anh, mà toàn là trước 1975. Được cái sách về chăm sóc bảo tồn thì “ngon” lắm, còn về phẫu thuật thì cái thời trước 1975, cả thế giới vẫn chưa có nhiều phương pháp. Trong tay một cuốn từ điển, vừa đọc vừa tra, tôi cố gắng tìm ra phương pháp điều trị.
Sau vài ngày nhận khu cột sống, sáng sáng, tôi cho tất cả bệnh nhân ra hành lang, phơi tất cả các bộ phận loét ra nắng. Có một bác sĩ có tiểu luận tốt nghiệp về việc sử dụng hạt đình lịch, một người khác thì dùng dầu mù u. Tôi liền áp dụng ngay các phương pháp đó. Các chị điều dưỡng tốt nghiệp trước giải phóng góp ý về việc cắt lọc vết thương. Kiểm chứng lại sách vở thấy ý kiến của các chị đúng quá. Chúng tôi liền áp dụng.
Khoảng 2 tháng sau, loét giảm hẳn. Chúng tôi không còn phải bịt mũi khi ra khu vực cột sống nữa. Nụ cười đã tươi trên môi nhiều bệnh nhân chấn thương cột sống. Đúng lúc đó thì người sếp nhỏ đi học Pháp về, mang theo một kĩ thuật mổ làm cứng cột sống cho các trường hợp chấn thương cột sống. Tôi vui mừng quá.
Nhưng tôi chưa kịp mừng thì nhận ra rằng mình không thuộc ê kíp của anh ấy, nên ngay cả việc xem anh ấy mổ cũng khó chứ đừng nói đến việc được anh ấy dạy dỗ. May mà các đàn anh khác có người quen ở Pháp, gởi về cho các anh ấy sách tiếng Anh về phương pháp mổ đó. Chúng tôi miệt mài đọc và dịch sách, sau đó tôi tự bỏ tiền túi đi mua dụng cụ mổ chân tay về, chế lại để cùng các anh lớn mổ cho bệnh nhân.
Bất động sản lên ngôi, kênh Nhiêu lộc được qui hoạch, đất lên giá, người ta gọi nó là kênh Nhiều lộc. Khu cột sống cũng vậy, trở nên cực kì “thơm tho”. Một vài người đòi lại khu cột sống, nhưng sếp lớn không đồng ý, vì cho rằng tôi có công trong việc làm cho nó “thơm tho”. Khi đó quan hệ với nước ngoài được mở rộng, AO mở lớp dạy mổ cột sống bởi các bác sĩ nước ngoài tại Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình. Bệnh viện tôi được 1 suất, nhưng lại phân cho khoa chấn thương chỉnh hình đi.
Lúc đó mỗi người đi học còn được lãnh tiền và tài liệu, được cung cấp đồ ăn và nước uống. Tôi liền đến xin học dự thính, cam kết không lấy tiền, lấy tài liệu, không ăn, uống gì trong lớp cả. Người bác sĩ Việt nam phụ trách lớp học nheo mắt nhìn tôi: “Cậu mà học cái gì, biết gì mà học”. Đã vài lần tiếp xúc xin ông ấy dậy cho tôi và ông ta luôn tránh né, sau này thì tôi biết rằng ông ấy và sếp nhỏ của tôi rất thân nhau.
Nhiều đàn anh và bạn bè gởi nhiều sách cho tôi, hoặc khi có điều kiện, họ photo lại cho tôi. Ngay khi vừa mới có internet, tôi gởi email đến tất cả những nơi có thể để xin học. Bao nhiêu tiền làm ra từ phòng mạch, tôi gom góp cho những kế hoạch đi học nước ngoài của mình.
Cuối cùng thì cơ hội cũng đến, và tôi có được ngày hôm nay sau nhiều lần bị đì khác nữa. Sau này, tôi nghĩ rằng mình đã rất may mắn nên mới bị đì như vậy. Nếu người sếp nhỏ hồi đó chịu dạy tôi, không bết tôi có thể mổ được như bây giờ không, bởi vì chính ông chưa bao giờ có thể mổ được một ca “ngon lành”, dù ông là người đầu tiên tiếp xúc với kĩ thuật đó, lại là truyền nhân của các bác sĩ Pháp. Và nếu không có cái câu “Cậu mà học cái gì, biết gì mà học”, làm sao tôi có đủ quyết tâm để tiếp cận được với những người thầy hàng đầu, để được tiếp xúc với những con người, những trang thiết bị, những kĩ thuật đỉnh cao?
Trong cuộc đời ai cũng có những lúc không suôn sẻ, những lúc bị người khác dìm xuống. Nhiều lúc chúng ta không hiểu tại sao người khác lại hành xử với mình như vậy. Những lúc đó chúng ta thất vọng nhiều lắm, nhưng khi vượt qua rồi, có khi chúng ta lại cám ơn họ đã tạo cho chúng ta nghị lực vươn lên.
Hãy đừng buồn và đứng lên bạn ạ. Hãy tìm cho mình một con đường để tỏa sáng mà không phải phụ thuộc vào những người đì mình.
Theo : TS. BS Võ Xuân Sơn