Bác sĩ ngủ trong phòng mổ

Một bạn post lên cái hình 2 bác sĩ đang chờ mổ, ngồi dựa tường ngủ trong phòng mổ. Nhiều ý kiến bàn luận, rằng sao mà nhếch nhác, rằng quá tải làm cho mỏi mệt, rằng tại sao Bộ Y tế không làm gì để nhân viên y tế đỡ khổ…

Mới nhìn qua, tôi đã biết ngay cái hình ấy được chụp ở đâu, bởi vì từ 30 năm trước, tôi cũng đã từng ngủ gục như vậy, ở ngay chính cái phòng mổ đó. Nhưng đấy là còn sung sướng, có thời gian để trốn vào trong phòng mổ làm một giấc, dù là ngắn nhưng cũng còn được ngủ. Thời gian sau này thường phải chạy như con thoi giữa cấp cứu và phòng mổ, chỉ cần 5 phút chợp mắt, ở bất cứ đâu, hành lang, cầu thang, kể cả dựa vào thùng rác, vậy mà cũng không thể có được.

Hồi đấy, chẳng có Bộ nào lo cả. Sếp bảo, phải nhanh chóng đi xuống các tỉnh, hỗ trợ làm sao cho người ta mổ được, chứ không thì 2 năm nữa anh em sẽ chết chìm với chấn thương sọ não. Thế là bỏ phòng mạch, khăn gói lên đường. Anh em ở nhà gồng gánh cho anh em đi tỉnh. Nói cho ngay, cho dù có thất thu phòng mạch, dù vợ phải gồng mình đi đón con thay, nhưng bù lại, được những ngày thư giãn, vì dù phải trực ở bệnh viện 24/24 nhưng cũng chẳng có mấy bệnh nhân. So với Chợ rẫy thì chẳng khác gì là đi nghỉ mát.

Mà đâu phải tỉnh nào cũng chào đón đâu. Trong một xã hội mà chỉ có cái gì được Đảng cấp trên, được Chính quyền cấp trên ban hành thì mới nhiệt tình làm, thì cái chương trình tự phát ấy chỉ được vài bác sĩ ủng hộ. Lãnh đạo thì dè dặt. Vậy mà cuối cùng cả một mạng lưới cấp cứu chấn thương sọ não được hình thành. Khả năng giải quyết cấp cứu chấn thương sọ não của các tỉnh ngày càng được nâng cao, giải quyết được một lượng lớn chấn thương sọ não. Sau này, khi chương trình 1816 ra đời, ở phía Nam, vấn đề chấn thương sọ não về cơ bản đã được giải quyết xong trước đó.

Thế nhưng, Chợ rẫy vẫn cứ là cái chợ, càng ngày càng đông. Càng ngày các bác sĩ càng không có thời gian ngủ, thời gian ăn. Khi trước, thường 9, 10 giờ đêm mới bắt đầu vất vả. Sau này, cho dù cái mạng lưới cấp cứu chấn thương sọ não ở các tỉnh hoạt động rất tích cực, mỗi ngày xử lí hàng chục ca mổ chấn thương sọ não, nhưng tại Chợ rẫy thì ngay từ 7 giờ sáng đã phải đánh vật với cấp cứu chấn thương sọ não. Chưa hết, lại còn thêm cái món chấn thương cột sống cổ do tai nạn giao thông cứ ào ạt kéo vô nữa chứ.

Cái mộng ước được khỏe khoắn thôi thúc anh em đi xuống các tỉnh ngày nào đã tan thành mây khói. Sếp bảo: “Thấy chưa, anh nói đâu có sai. Nếu hồi đó mấy đứa không chịu khó đi tỉnh thì bây giờ chết chìm với chấn thương sọ não rồi nhé”. Sếp nói đúng, chỉ có điều bây giờ còn chìm hơn hồi ấy, chưa chết chẳng qua là do khát vọng sống mãnh liệt quá mà thôi.

Hồi đó, một đêm mổ 5 ca là được bồi dưỡng vất vả, anh em hay gọi đùa là thưởng. Cũng được bữa sáng. Sau tăng lên 8 ca, rồi 10 ca, rồi 15 ca mới được “thưởng”. Nhưng khi lên đến 25 ca mổ chấn thương sọ não một đêm trực thì… hết “thưởng”. Bệnh viện không còn quĩ “thưởng” vì như vậy thì ngày nào cũng phải “thưởng”, lấy đâu ra tiền.

Hãy đừng trách ngành y tế không làm gì để giải quyết quá tải. Có đấy chứ, làm cật lực ra ấy chứ. Chỉ có điều y tế làm được 1 thì mọi thứ tăng lên 10. Bao nhiêu xe gắn máy bán ra, bao nhiêu nhà máy bia được xây dựng… Đấy là mới nói về chấn thương sọ não, còn thì đủ thứ khác, cái gì cũng phát triển, và cứ cái gì phát triển thì lại đẻ thêm ra một hệ quả mà y tế phải lãnh. Tiểu đường, tim mạch, cao huyết áp, tâm thần, thoái hóa cột sống, ung thư, đột quị… toàn là hệ quả của sự phát triển, của sự tăng trưởng bằng mọi giá, không quan tâm tới môi trường sống, tới những vấn đề xã hội.

Vậy thì, cho dù không nên phổ biến cái bức hình hai bác sĩ đang ngủ trong phòng mổ, nhưng hãy đừng lên án họ. Sự cố gắng của con người chỉ là hữu hạn mà thôi.

Theo : TS. BS Võ Xuân Sơn