BÁC SĨ GIẢ, BÁC SĨ DỎM

“Không phải bây giờ mới có bác sĩ giả, và cũng không phải bây giờ mới có bác sĩ giả leo lên đến cái ghế cao cao.”

Khi tôi mới ra trường, các bạn bè của tôi được phân công công tác về bệnh viện Nguyễn Tri Phương quả quyết rằng ông trưởng khoa Nội Thần Kinh là bác sĩ giả vì kiến thức của ông rất buồn cười. Tôi biết có người trong số họ đã bày tỏ công khai ý kiến đó, nhưng phải đến hơn 10 năm sau, sau khi ông ta lấy tấm bằng Bác sĩ Chuyên khoa cấp II thật thì mới phát hiện ra ông ta là bác sĩ giả. Tại bệnh viện Chợ Rẫy có một anh chàng hành nghề bác sĩ đến 10 năm mới bị phát hiện là bác sĩ giả, mà việc phát hiện lại do vợ anh ta tố cáo.
Tại sao lại có chuyện thật khó tin như vậy? Ông trưởng khoa của bệnh viện Nguyễn Tri Phương từng được Sở Y Tế tin tưởng, đã có không ít bác sĩ phản đối ông ta phải ngậm ngùi ra đi. Phòng mạch của ông ta là phòng mạch đông nhất ở thành phố với việc sử dụng corticoid (thuốc kháng viêm) một cách vô tội vạ cho tất cả các loại bệnh, và với giá cắt cổ. Còn anh chàng tại bệnh viện Chợ Rẫy, một anh chàng bác sĩ giả tồn tại giữa một nơi “trên rồng dưới cọp” mà chẳng ai phát hiện ra.
Thực ra thì giả cái gì thì giả chứ khả năng chuyên môn không thể nào giả được. Bản thân tôi, khi mới ra trường, tôi cũng có nghi ngờ anh này anh kia không phải bác sĩ thật, nhưng khi hỏi ra thì đúng là anh ta có đi học y vì có nhiều bạn học chung với anh ta chứng giám. Vấn đề của chúng ta nằm ở chỗ không có một cái chuẩn nào xác định khả năng chính xác mà một bác sĩ cần có, do vậy mà khi có ai đó chuyên môn yếu kém, mọi người sẵn sàng chậc lưỡi cho qua, vì trên thực tế có những bác sĩ được đào tạo chính qui (kể cả trước và sau năm 1975) nhưng trình độ chuyên môn lại rất tệ. Ngay cả chuyện học lấy bằng cấp của chúng ta cũng không ổn. Đại học Y Dược được coi là nơi đào tạo sau đại học “ngon lành” nhất, thế mà một bác sĩ giả, trình độ chuyên môn thực sự kém lại vẫn ngang nhiên lấy được cái bằng Chuyên khoa cấp II, tấm bằng danh giá bậc nhất của hệ bác sĩ thực hành. Như vậy có nghĩa là các bác sĩ chúng ta và các nhà quản lí y tế dễ dàng chấp nhận một anh trưởng khoa không biết gì về chuyên môn, một bác sĩ Chuyên khoa cấp II trình độ rất kém, và chấp nhận cho một người yếu kém về chuyên môn tồn tại trong một tập thể có nhiều cá nhân xuất sắc. Thậm chí đôi khi người ta lí giải về những sai sót chuyên môn của những bác sĩ giả là do y đức (chứ trình độ bác sĩ ai mà làm như vậy), và chuyện yếu kém về y đức đó thì cũng… bình thường thôi.
Nếu các nhà quản lí không mau chóng tìm ra một cách nào đó áp chuẩn cho các bác sĩ, cho quá trình đào tạo, tôi tin rằng Hồ Quang Hải không phải là trường hợp bác sĩ giả cuối cùng mà chúng ta được biết. Hơn nữa, theo thiển ý của tôi, sự tồn tại của các bác sĩ giả vẫn chưa nguy hiểm bằng việc có những bác sĩ thật nhưng trình độ không khác gì so với bác sĩ giả hành nghề. Không biết nếu gọi những người này là “bác sĩ dỏm” thì có gì sai không nhỉ?

Theo TS.BS Võ Xuân Sơn