Trong cuộc đời hành nghề của một bác sĩ, điều ám ảnh nhất chính là những cái chết của bệnh nhân ngay trên tay mình, xác nhận sự bất lực của người thầy thuốc. Hơn cả những thành công chói lòa, những bất công, tủi nhục, những cái chết đó đi theo các thầy thuốc suốt cả cuộc đời của họ.
Khi tôi còn sinh viên, một bệnh nhân bị vết thương sọ não do chém. Phụ mổ cho đàn anh. Ca mổ kéo dài từ 9 giờ đêm hôm trước đến 9 giờ sáng hôm sau. Bệnh nặng nên được nằm ở box riêng. Đến ngày thứ 10, bệnh nhân tỉnh táo, không có dấu hiệu tâm thần, chỉ bị liệt nửa người, và được cho xuất viện. Sáng hôm xuất viện, điều dưỡng vào phòng, bệnh nhân đã chết. Suốt 20 năm sau, mỗi khi bước chân vào cái phòng box đó, hình ảnh bệnh nhân với vẻ mặt bình thản, một tay xuyên qua vết mổ, thọc sâu vào não, một vốc não được lôi ra nằm bên cạnh, cứ hiện ra trước mắt tôi.
Cháu của cô điều dưỡng cùng khoa bị dị dạng mạch máu não, động kinh nhiều lần. Lại phụ mổ cho đàn anh. Ca mổ kéo dài hơn 12 giờ và kết thúc bằng việc đóng vết mổ nhanh để bệnh nhân không chết trên bàn. Đó là cậu con trai duy nhất của cả dòng họ nhà cô điều dưỡng, quê ở miền Tây. Cho đến 15 năm sau, khi cô điều dưỡng kia đi xuất cảnh, tôi mới bớt nghĩ đến ca mổ và cậu thanh niên đó.
Bệnh nhân chấn thương sọ não, chỉ còn 4 điểm Glasgow, đồng tử một bên giãn lớn, bên kia mất phản xạ nhưng chưa giãn. Hình ảnh CAG (mạch não đồ) cho cảm nghĩ có khối máu tụ ngoài màng cứng (nếu là dưới màng cứng, gần như không còn khả năng sống). Quyết tâm mổ. Khi khoan sọ xong mới biết, là máu tụ dưới màng cứng.
Sau khi lấy hết máu tụ, não xẹp, lõm sâu và không đập, máu chảy rỉ rả. Vừa cầm máu xong, não phù nhanh, phồng ra ngoài lỗ xương sọ, vỡ toác, chảy máu. Huyết áp tụt dần, mạch giảm, tim đập rời rạc. Các thuốc hồi sức được đưa vào nhưng không hiệu quả. Chỉ còn kịp khâu da lại, sao cho trông ít phản cảm nhất. Cho đến mãi sau này, mỗi khi hạ bút chỉ định mổ những ca chấn thương sọ não nặng, tôi lại chuẩn bị tâm lí cho mình, vì lần ấy, hơn nửa tháng sau tôi mới có thể cầm dao mổ lại được.
Một ca bệnh phình động mạch não, thỉnh thoảng bị chảy máu cam nhưng rồi tự cầm. Bác sĩ nào cũng lo lắng, nhưng ai cũng hiểu, kể cả bệnh nhân, rằng nếu cái túi phình ấy vỡ hẳn và vỡ ra đằng mũi thì không có giải pháp nào cả. Và thật không may khi tôi phải chứng kiến cái giây phút ấy. Khi máu phun ra hai lỗ mũi, bệnh nhân nhìn tôi trong khoảng hơn chục giây, rồi nhắm mắt, ra đi. Tôi đứng như trời trồng. Nhiều năm sau ánh mắt của bệnh nhân vẫn cứ ám ảnh tôi, mỗi khi nghe nói về một cái túi phình tương tự.
Tất cả những cái chết đó đều không đau đớn bằng những cái chết được dự báo trước. Chấn thương cột sống và tủy sống cổ là một trong các bệnh lí có tỉ lệ tử vong rất cao. Thật không may, chúng ta có quá nhiều bệnh nhân loại này, vì chúng ta có số lượng TNGT do té xe gắn máy nhiều nhất thế giới. Chúng tôi đã làm gần như quá cả sức mình, nẹp cổ ngoài, thuốc chống phù tủy, chế tạo móc kéo cột sống cổ, mổ sớm cho bệnh nhân…
Nhưng vẫn còn lại một loại, đó là các trường hợp gãy cột sống cổ trên bệnh nhân viêm dính khớp cột sống. Bệnh nhân vào viện tỉnh táo, thậm chí còn có thể không liệt, nhưng chỉ một ngày sau thì ngưng thở và tử vong. Mọi vận chuyển, kể cả việc đưa qua bàn mổ, cũng có thể làm cho bệnh nhân tử vong. Tìm tòi, nghiên cứu. Kiếm được 6 bộ Halo-vest, mục đích là để cố định cho bệnh nhân để chuyển lên bàn mổ. Vài tháng sau chỉ còn có 1 bộ, do bệnh nhân mang về và không trả lại.
Cho dù sau này chúng tôi đã có đủ phương tiện để cố định bệnh nhân trước khi đưa lên bàn mổ, có khoan cao tốc để không làm ổ gãy di động khi cố định, cho dù tỉ lệ tử vong trên nhóm bệnh nhân đó có giảm đi, mỗi khi đứng trước một trường hợp như vậy, tôi vẫn phải ra sức tự trấn an mình, rằng bệnh nhân này sẽ sống.
Để có thể mang lại những niềm vui nho nhỏ cho người bệnh, người thầy thuốc phải trải qua không biết bao nhiêu là đau khổ, dằn vặt. Cuộc chiến giữa các thầy thuốc với thần chết vẫn luôn là một cuộc chiến không cân sức.
Theo : TS. BS Võ Xuân Sơn