BÁC SĨ TRONG VÒNG VÂY GIANG HỒ – MÃ TẤU

Báo Thanh niên online ngày 26-09-2013 đăng bài “Bác sĩ trong vòng vây giang hồ, mã tấu”. Bài viết nói về tình trạng bạo lực xảy ra trong bệnh viện, phần lớn nhắm vào nhân viên y tế. Qua bài báo, chúng ta thấy ngành y thật sự là một nghề nguy hiểm, ngoài việc phải thường xuyên phơi nhiễm với bệnh tật, truyền nhiễm, yếu tố độc hại, lại còn phải phơi nhiễm với bạo lực. Ngành y sao mà khổ thế, nhân viên y tế sao mà đáng thương thế…

Đọc qua phần comment thì hỡi ôi. Hơn một nửa số ý kiến biện minh cho những hành động bạo lực, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp cho rằng nguồn gốc của hành động bạo lực là do nhân viên y tế. Thế mới biết thành kiến của xã hội này với ngành y sâu sắc đến mức nào.

Tôi có mặt tại một nhà hàng ở thành phố Cà mau vài tháng sau vụ đập phá bệnh viện, đập phá nhà của bác sĩ tại Năm Căn. Hôm đó là ngày tết, nhân viên ít, khách hàng nhiều, các em phục vụ chạy “có cờ”, khách hàng phải chờ đợi. Tuy nhiên, thời gian chờ đợi thật sự không phải là lâu lắm so với các nhà hàng ở TP. Hồ Chí Minh, vậy mà nhiều khách hàng địa phương chửi thề, đạp bàn đạp ghế bỏ đi một cách khá tức tối. Lúc đó tôi mới hiểu rằng đồng nghiệp của mình ở các tỉnh phải chịu áp lực đến cỡ nào. Hàng ngày chúng ta đi trên đường đều thấy, một chân lí tưởng chừng rất đơn giản khi lưu thông trên đường là “ai đến trước đi trước” bị xâm phạm một cách tự nhiên đến cỡ nào. Không ai chịu ở sau, tất cả tìm mọi cách vượt lên làm người dẫn đầu, bất chấp vạch sơn, bất chấp làn đường, thậm chí vượt qua bên kia con lươn cứng, làm tắc nghẽn chiều đường ngược lại. Luật pháp, văn hóa, phép lịch sự, tình người… không có đất sống ở những chỗ như vậy. Trong cuộc sống hàng ngày của mỗi chúng ta đều không thiếu hình ảnh của những con người luôn luôn bon chen, luôn luôn dùng mọi thủ đoạn để vượt lên trên người khác, luôn tìm cách để đè bẹp người khác. Lối sống thực dụng bất chấp đạo lí, bất chấp tình người đang ngày càng phát triển trong một xã hội có một chút màu sắc hỗn mang của chúng ta.

Một bác sĩ Nhật sau nhiều năm “lăn lóc” với Việt nam nói với tôi rằng đa số đàn ông Việt nam không mạnh mẽ bằng phụ nữ Việt nam vì thiếu tính kiên nhẫn, cái gì cũng chỉ muốn làm thật nhanh. Một bác sĩ người Nhật khác, cũng thuộc hàng có “thâm niên” trong công tác giúp đỡ Việt nam thì nói với tôi rằng chính vì tính thiếu kiên nhẫn đó mà ở Việt nam đa số công việc được bắt đầu rất nhanh, nhưng cũng lại rất dễ bị bỏ dở ngang chừng.

Sự bon chen, tính thiếu kiên nhẫn, lối sống thực dụng mới chính là nguyên nhân của hiện tượng bạo lực trong các cơ sở y tế, nhắm vào nhân viên y tế, và theo tôi, đó cũng là nguyên nhân của nạn bạo lực ở tất cả các lĩnh vực khác trong xã hội chúng ta. Riêng đối với ngành y, những thành kiến của một bộ phận không nhỏ dân cư, được sự hỗ trợ của một số thành viên trong hệ thống thông tin tuyên truyền, góp phần thổi phồng các mâu thuẫn, rất dễ dẫn đến những hiện tượng bạo lực.

Ở Mỹ, Pháp và tất cả các nước phát triển trong “thế giới tự do” không thiếu sự bon chen, không thiếu tính thực dụng, nhiều thành viên của hệ thống thông tin tuyên truyền còn tỏ ra rất tệ hại và nguy hiểm nhưng ở một chừng mực nào đó, ngành y được tôn trọng, được trân quý, trong khi theo tôi thì tỉ lệ các bác sĩ thực dụng ở các nước đó cao hơn ở nước ta rất nhiều. Ở các nước đó rất ít có hiện tượng bạo lực nhắm vào nhân viên y tế vì lí do y tế. Vì sao vậy? Văn hóa của họ tốt hơn của chúng ta? Tri thức của họ cao hơn của chúng ta? Người dân của họ ôn hòa hơn của chúng ta? Tất cả các điều đó có thể đúng nhưng theo tôi, điều chính yếu là luật pháp của họ chặt chẽ và có sức mạnh hơn của chúng ta. Hệ thống luật pháp của họ luôn tìm cách trực tiếp hoặc gián tiếp điều chỉnh những hiện tượng lệch lạc trong cuộc sống hàng ngày. Ngoài ra, việc tự do thông tin cũng góp phần làm cho thông tin nhiều chiều hơn, giúp xã hội hiểu đúng hơn và có phản ứng tích cực hơn đối với mọi vấn đề của xã hội, trong đó có các vấn đề của ngành y.

Không biết đến bao giờ chúng ta mới được như vậy nhỉ?

Theo TS.BS Võ Xuân Sơn