You are currently viewing Mũi dùi bệnh hoạn

Mũi dùi bệnh hoạn

Cái cơ chế này, cái đường lối này đã biến cả xã hội thành một môi trường bệnh hoạn. Ai cũng thấy điều đó, ai cũng hiểu điều đó. Vậy mà sao không ai chỉ vào đúng cái ung nhọt biến xã hội này trở thành bệnh hoạn, sao không ai tìm cách cải tạo nó, làm cho nó tốt lên

Tháng lương đầu tiên, tôi dự định mời vài đàn anh trong khoa đi ăn sáng, sau đó đãi gia đình một bữa ăn. Không ngờ cả tháng lương không đủ cho 6 người ăn sáng. Thế rồi tôi quyết định làm phòng mạch. Đường đường là một ông bác sĩ, vậy mà phải ngửa tay xin tiền cha mẹ. Cái thân mình lo không xong thì còn cứu giúp được ai, nói gì đến chuyện cao siêu như y đức, y nghiệp…

Để bảo đảm cho cuộc sống của mình, các bác sĩ phải bươn chải làm phòng mạch. Họ gần như chẳng còn thời gian cho gia đình. Bữa cơm gia đình thật là hiếm hoi. Các thầy cô giáo cũng vậy. Dậy thêm là giải pháp giúp họ tồn tại. Thật đau lòng khi đọc được dòng tít “Không dạy thêm thì lấy gì mà sống”. Đúng thế thật, không làm phòng mạch thì chỉ có đi bắt chẹt bệnh nhân, moi móc phong bì, hoặc cấu kết với hãng thuốc ăn hoa hồng. Không như vậy thì làm sao mà sống?

Lẽ ra các thầy thuốc phải được thong dong chăm lo sức khỏe cho xã hội, các thầy cô giáo phải được thảnh thơi để chuyên chú vào sự nghiệp trồng người. Nhưng có ai cho họ được như vậy. Hết đại hội Đảng đến họp Quốc hội, người ta cứ luôn nói rằng đồng lương không đủ sống, nhưng chẳng có biện pháp nào để cho đồng lương đủ sống cả. Cùng với việc ban cho đồng lương chết đói, các quan, vốn luôn no đủ vì những đồng tiền ăn cắp của dân, ban bố hết lệnh cấm này đến lệnh cấm khác. Rồi họ tổ chức rình rập để bắt quả tang thầy giáo đang dạy thêm.

Ngành y có đỡ hơn một chút do không bị cấm làm phòng mạch, thế nhưng vài vị rỗi hơi muốn làm vừa lòng các quan trên, nghĩ ra những chiêu quản lí giờ giấc rất quái đản, mà chỉ có những kẻ méo mó nhân cách ở một vài nước như Việt nam, Trung quốc, Bắc Triều tiên mới đủ tầm mức để nghĩ ra. Rồi những người dân, cùng sống trong cái môi trường quái đản ấy, bảo rằng bác sĩ giàu, và thi nhau chửi bới, thậm chí moi tiền từ các bác sĩ mỗi khi có biến chứng y khoa xảy ra.

Có bác sĩ nào muốn làm việc 16 giờ, 18 giờ một ngày đâu, có thầy cô giáo nào muốn mình trở thành con buôn trước mặt học sinh của mình đâu. Cái cơ chế này đã đẩy họ đến con đường đó. Cái đường lối này bắt buộc các bác sĩ, nếu không muốn trở thành kẻ bắt chẹt bệnh nhân ăn phong bì hay hoa hồng thì phải bán sức ở phòng mạch, bắt buộc các thầy cô giáo nếu không muốn xà xẻo tiền ăn, tiền BHYT của học sinh thì phải trở thành con buôn trước mặt học sinh của mình.

Khi các thầy thuốc buộc phải ngửa tay nhận tiền của bệnh nhân, dù là nhận ở phòng mạch, khi các thầy cô phải cầm tiền từ học sinh đưa cho, hình ảnh của họ đã phần nào bị hoen ố. Khi đã dính đến tiền thì khó mà không bị nhiễm mùi tanh hôi của đồng tiền. Những người nhạy cảm thì tủi hổ, buồn phiền, dẫn đến bất mãn, chán đời. Những người kém vững vàng thì nhắm mắt đưa chân vào guồng máy kiếm tiền, sổ toẹt vào phần danh dự còn lại của người thầy thuốc, của người thầy giáo.

Xã hội trở nên rối ren, con người không còn niềm tin vào cuộc sống, vào xã hội, và vào nhau. Từ đó sản sinh ra những cách thức kiểm tra quái đản của bộ máy chuyên chính, những khuôn mặt rạng rỡ của cán bộ kiểm tra, những bài báo với những câu chữ thể hiện sự khoái cảm của một số nhà báo khi phát hiện được sai phạm của các bác sĩ, của các thầy cô giáo.

Sự khoái cảm một cách bệnh hoạn ấy không đơn thuần chỉ là sự bệnh hoạn về nhân cách của những con người trong một bộ máy bệnh hoạn, đó còn là cơ hội để họ vặt lại những gì mà những kẻ sai phạm đã moi móc từ người dân. Thực ra thì họ cũng phải kiếm ăn, kiếm sống, vì đồng lương của họ cũng có đủ đâu. Tương tự vậy, họ cũng phải cung phụng cho cấp trên của họ. Cứ như vậy, cái “chuỗi thức ăn” kéo dài ra mãi.

Cái cơ chế này, cái đường lối này đã biến cả xã hội thành một môi trường bệnh hoạn. Ai cũng thấy điều đó, ai cũng hiểu điều đó. Vậy mà sao không ai chỉ vào đúng cái ung nhọt biến xã hội này trở thành bệnh hoạn, sao không ai tìm cách cải tạo nó, làm cho nó tốt lên, mà lại quay ra cắn xé nhau, chĩa mũi dùi vào những kẻ không có khả năng tự vệ, vào những người mà lẽ ra họ phải được tôn trọng nhiều hơn trong xã hội của loài người?

Theo : TS. BS Võ Xuân Sơn