Đặc hiệu và không đặc hiệu

Trên mạng đang lan truyền bài báo nói về việc một cháu bé học lớp 6, bị buồn nôn, môi thâm, khó thở, và đi khám 2 lần ở một bệnh viện nọ, bác sĩ chẩn đoán viêm đại tràng, rồi viêm họng, uống thuốc không hết, đi khám tại bác sĩ tư, mới phát hiện cháu mang thai 4 tháng do bị hiếp dâm.

Bài báo được phát hành hơn 2 năm rồi, không biết tại sao bây giờ lại được đưa lên và phát tán trên mạng. Không muốn cho câu chuyện lan tràn rồi bùng nổ trên mạng, tôi có mấy ý kiến nhỏ. Rất mong các nhà báo không để câu chuyện này lan rộng ra thêm, khơi lại nỗi đau khổ cho cháu bé.

Khi bác sĩ chẩn đoán bệnh, có một mục rất quan trọng, gọi là bệnh sử. Bệnh sử là quá trình hình thành bệnh mà bệnh nhân cung cấp cho bác sĩ. Những thông tin bệnh nhân cung cấp cho bác sĩ sẽ hướng bác sĩ đến việc khai thác những triệu chứng liên quan. Do vậy, tất cả bệnh nhân đều phải hiểu thật rõ vai trò của mình trong việc bác sĩ chẩn đoán và chữa bệnh cho mình.

Giá trị của các triệu chứng bệnh được phân ra thành nhiều nhóm, nhóm đặc hiệu, nhóm không đặc hiệu nhưng đại điện cho một số ít loại bệnh, nhóm không đặc hiệu nhưng rất nhiều loại bệnh có. Buồn nôn, môi thâm, khó thở là triệu chứng không đặc hiệu thuộc nhóm triệu chứng mà rất nhiều thứ bệnh đều có.

Với những triệu chứng không đặc hiệu mà rất nhiều loại bệnh đều có, bác sĩ sẽ phải sàng lọc và yêu cầu các phương pháp cận lâm sàng để xác định hoặc loại trừ những bệnh lí mà mình nghĩ tới. Trường hợp cháu bé học lớp 6, với triệu chứng buồn nôn, môi thâm, khó thở, chắc ít bác sĩ nào có thể nghĩ được là cháu có thai để cho khám thai.

Nếu cháu và gia đình không nói đến việc cháu có sinh hoạt tình dục thì ít bác sĩ nào nghĩ đến chuyện cháu có thai để tìm hiểu. Càng không bác sĩ nào dám mở miệng hỏi gia đình, rằng cháu có bạn trai chưa, có quan hệ tình dục chưa… Nhiều khi hỏi xong lại trở thành đề tài đàm tiếu trên mạng nữa ấy chứ.

Vì vậy, chuyện bác sĩ khám 2 lần mà không biết cháu có thai, khi cái bụng của cháu chưa phình to ra, thì cũng không phải là lỗi lớn. Nếu cháu bé đến với bác sĩ và khai rằng: cháu thấy bụng to ra và có gì quẫy đạp trong bụng (đây là một triệu chứng đặc hiệu), hay nói với bác sĩ là mình bị hiếp dâm (một dấu hiệu gợi ý), thì lúc đó có thể kết luận là bác sĩ kém hay ẩu gì cũng được.

Ngoài chuyện về vị bác sĩ kia, bài báo đề cập đến một chuyện khác, đó là khi phỏng vấn ông Phó Giám đốc bệnh viện, ông ấy bảo là “Nhân viên của tôi dù là bác sĩ nhưng học tại chức nên trình độ hạn chế”. Đọc xong câu này, tôi không biết có thật là ông Phó Giám đốc kia nói như vậy không, vì học bác sĩ thì không có hệ tại chức, mà là chuyên tu.

Tôi không bàn đến chuyện chuyên tu, tại chức trình độ ra sao, cho dù bản thân tôi đã từng biết khá nhiều bác sĩ chuyên tu rất giỏi, cũng như có những bác sĩ chính qui trình độ rất tệ. Tôi chỉ muốn nói với ông Phó Giám đốc kia, rằng nếu người ta không đủ khả năng, tại sao ông tuyển người ta về làm việc? Bản thân ông có đủ khả năng lãnh đạo cái bệnh viện đó không? Làm lãnh đạo mà không dám chịu trách nhiệm, sợ dư luận, đổ lỗi cho nhân viên thì về vườn còn hơn.

Quay trở lại chuyện cháu bé. Thật đáng thương cho cháu và căm phẫn tên yêu râu xanh đã cưỡng bức cháu. Nhưng gia đình cháu cũng cần rút kinh nghiệm. Cháu bị cưỡng bức (nghe nói là nhiều lần), đến khi có thai đến 4 tháng mới biết thì quả là gia đình vô tâm thật.

Câu chuyện này đã thuộc về quá khứ. Nó là một nỗi đau của cháu bé, của gia đình cháu, và của cả xã hội. Lẽ ra nó đã phải được chôn vùi vào quá khứ. Nếu còn những vấn đề nào đó quanh câu chuyện này chưa được giải quyết, hãy để cho Tòa án và những người trong cuộc, không nên đưa ra dư luận như thế này, vì bất cứ ý đồ gì.

Và cũng mong rằng chúng ta nên giới hạn câu chuyện lại. Xin các bạn đừng share mà bàn luận tại đây. Chân thành cám ơn các bạn.

Theo : TS. BS Võ Xuân Sơn